Kẽm là một nguyên tố kim loại thiết yếu. Khi nhắc đến kẽm, người ta thường nghĩ đến khả năng tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh cảm lạnh hay nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Và mặc dù nhu cầu kẽm hàng ngày của cơ thể khá nhỏ, chỉ xấp xỉ 10mg nhưng kẽm là cần thiết cho sức khỏe, giúp cơ thể thực hiện được các chức năng quan trọng. Kẽm có mặt trong quá trình sản xuất và sửa chữa các hormone, cải thiện khả năng miễn dịch và hỗ trợ cho tiêu hóa. Kẽm hiện diện trong tất cả các mô của cơ thể, góp phần vào quá trình phân chia tế bào. Kẽm cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa, chống lại các tổn thương do gốc tự do và làm chậm lại quá trình lão hóa. Nó còn cần thiết cho sự cân bằng nội tiết tố, do đó mà chỉ cần thiếu một lượng kẽm rất nhỏ bạn cũng đã có thể đổi mặt với nguy cơ vô sinh hoặc tiểu đường.
Kẽm là nguyên tố cần thiết cho một sức khỏe toàn diện
Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ kẽm, bạn có thể gặp những vấn đề về sức khỏe như dễ bị ốm vặt, cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung, chậm lớn chậm tăng cân hoặc chậm chữa lành vết thương.
Nhu cầu kẽm là bao nhiêu?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu kẽm thay đổi theo độ tuổi và giới tính:
- Trẻ sơ sinh:
0-6 tháng: 2mg/ngày
7-12 tháng: 3mg/ngày
- Trẻ nhỏ:
1-3 tuổi: 3mg/ngày
4-8 tuổi: 5mg/ngày
9-13 tuổi: 8mg/ngày
- Thanh thiếu niên và người lớn:
Nam từ 14 tuổi trở lên: 11mg/ngày
Nữ giới 14 tuổi trở lên: 9mg/ngày
Kẽm có nhiều dạng bổ sung: trong siro, viên ngậm, gel dinh dưỡng, viên nang hoặc trong các loại kẹo dẻo bổ sung kẽm. Kẽm thường được bào chế dưới dạng muối Gluconate, sulfate hoặc acetate. Chúng đều có sinh khả dụng cao và tương đương nhau.
Nhu cầu kẽm tăng dần theo tuổi
Các triệu chứng thiếu kẽm
Việc thiếu kẽm là khá phổ biến, có thể do không cung cấp đủ từ thực phẩm, nhưng cũng có thể xảy ra do các rối loạn tiêu hóa dẫn đến hấp thu kém, ví dụ như hội chứng rò rỉ ruột, bệnh tiêu chảy mạn tính.
Hàm lượng kẽm cao nhất được tìm thấy trong thực phẩm giàu Protein, đặc biệt là Protein động vật, bao gồm thịt, các hải sản và sản phẩm sữa. Kẽm cũng chứa nhiều trong ngũ cốc và các loại đậu, tuy nhiên thường ở dạng muối Phytate khó hấp thu.
Những nhóm người nào có nguy cơ thiếu kẽm? Bất kỳ ai theo chế độ ăn chay mà không tiêu thụ sản phẩm như thịt, cá, trứng, sữa,… đều có nguy cơ thiếu kẽm cao. Một số người bị vấn đề về dạ dày như dư acid, nghiện rượu, hội chứng rò rỉ ruột,… đều khó hấp thu kẽm hơn. Các dấu hiệu phổ biến nhất liên quan đến thiếu kẽm bao gồm:
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, kể cả với thức ăn ngọt hay mặn
- Thay đổi về khả năng nếm và nhận biết hương vị
- Tăng hoặc giảm cân
- Rụng tóc
- Các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy
- Thường xuyên mệt mỏi
- Khó có thai
Các vấn đề liên quan đến hormone, bao gồm:
- Rối loạn tiền mãn kinh
- Sức đề kháng kém
- Giảm khả năng tập trung và ghi nhớ
- Chậm lành vết thương, nhiễm trùng da hoặc dễ bị kích ứng
- Rối loạn chức năng thần kinh
Móng tay có những vệt trắng – một dấu hiệu thiếu kẽm
Các lợi ích mà kẽm mang lại:
- Tăng cường hệ miễn dịch, chống lại cảm lạnh:
Kẽm thường được dùng như một loại sản phẩm bổ sung không kê đơn để chống lại cảm lạnh và các triệu chứng của nó. Khi được sử dụng liên tục trong 5 tháng, kẽm có thể làm giảm nguy cơ mắc cảm lạnh thông thường cũng như làm giảm thời gian bị bệnh (trong trường hợp bị mắc). Nghĩa là kẽm giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ virus ra khỏi cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy kẽm có thể can thiệp vào sự hình thành các chất nhầy trong mũi cũng như sự thâm nhập của chúng. Đối với virus, các ion kẽm có thể gắn vào các thụ thể của virus trên các tế bào biểu mô, khiến chúng không thể nhân lên được.
Kẽm giúp chống lại cảm lạnh
- Kẽm có tác dụng chống oxy hóa – chống lại sự hình thành ung thư:
Kẽm hoạt động như một tác nhân chống viêm và chống oxy hóa hiệu quả, trung hòa các gốc tự do và hạn chế sự phát sinh đột biến gene, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư. Nó còn khiến các khối u chậm phát triển, cũng như hỗ trợ khả năng phân chia tế bào khỏe mạnh, nhất là ở người cao tuổi.
Một nghiên cứu do Khoa Y tế tại đại học Michigan trên 50 người trưởng thành cho thấy mức độ cytokine (các chất gây viêm) cao hơn ở những người có nồng độ kẽm trong máu thấp hơn.
- Cân bằng hormone:
Kẽm tham gia vào quá trình sản xuất hormone, đặc biệt là hormone Testosterone, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của cả nam và nữ. Kẽm còn liên quan đến việc hình thành và phát triển trứng cũng như sự rụng trứng.
Với phụ nữ, kẽm cần thiết cho sự sản xuất Estrogen và Progesterone, hỗ trợ cho sức khỏe sinh sản. Mức Estrogen quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng đên skinh nguyệt, thay đổi tâm trạng, mãn kinh sớm, vô sinh hoặc thậm chí những bệnh ung thư liên quan đến cơ quan sinh sản như ung thư cổ tử cung, u nang buồng trứng.
Kẽm cần thiết cho sự cân bằng hormone trong cơ thể
- Chống lại tiểu đường:
Insulin là một trong số các hormone nhận sự ảnh hưởng của kẽm. Nó là hormone chính kiểm soát đường huyết, được sử dụng để điều trị đái tháo đường tuýp 1, tuy nhiên hiện nay đái tháo đường tuýp 2 cũng được điều trị cùng Insulin.
Kẽm có lợi cho đường huyết vì nó liên kết với Insulin nên hormone này được lưu trữ trong tuyến tụy, và được giải phóng khi Glucose được hấp thu vào máu (sau các bữa ăn có Carbohydrate). Quá trình Insulin bám vào các thụ thể của nó ở bề mặt các tế bào cũng cần đến kẽm. Điều này giúp các tế bào có thể dung nạp và dự trữ Glucose cũng như dùng làm nhiên liệu cho cơ thể, thay vì được chuyển hóa thành dạng chất béo dự trữ.
- Duy trì sức khỏe tim mạch bằng cách hỗ trợ các mạch máu:
Các tế bào nội mô, cấu tạo nên lớp mô mỏng bên trong thành mạch cần đến kẽm. Do đó kẽm trở nên quan trọng đối với sức khỏe tim mạch vì nó hỗ trợ hệ tuần hoàn, làm giảm sự ứ đọng Cholesterol bên trong thành mạch, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến xơ vữa động mạch và các tai biến mạch vành, tai biến mạch máu não.
- Ngăn ngừa tiêu chảy:
Theo WHO, sử dụng kẽm có thể chống lại bệnh tiêu chảy. Những người dùng 10-20mg kẽm/ngày trong 10-14 ngày thì trong vòng 2-3 tháng tiếp sau đó, nguy cơ mắc tiêu chảy của họ giảm đáng kể. Điều này có nghĩa, kẽm có tác dụng trong dự phòng tiêu chảy.
Tuy nhiên, với các trường hợp đã bị tiêu chảy cấp, 20mg kẽm/ngày được khuyến nghị để thời gian bị các cơn tiêu chảy giảm xuống. Nghĩa là kẽm cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị tiêu chảy chứ không chỉ có tác dụng dự phòng.
Kẽm được dùng để hỗ trợ điều trị tiêu chảy cấp, nhất là ở trẻ em
- Tăng khả năng sinh sản:
Các nghiên cứu cho thấy kẽm điều chỉnh nồng độ Testosterone trong máu của nam giới. Chế độ ăn thiếu kẽm ở nam giới đang trong độ tuổi sinh sản có liên quan đến sự suy giảm nồng độ Testosterone trong khi chính hormone này quyết định đến ham muốn và khả năng tình dục của nam giới.
Một nghiên cứu tại đại học Wayne cho thấy, việc bổ sung kẽm cho những người tình nguyện dùng một thực đơn nghèo kẽm trong vòng 20 tuần giúp họ tăng nồng độ Testosterone đáng kể. Kẽm cũng cần thiết cho sự trưởng thành của trứng cũng như quá trình rụng trứng.
Kẽm vô cùng cần thiết cho chức năng sinh sản của nam giới
- Hỗ trợ hấp thu và tiêu hóa dinh dưỡng:
Kẽm ảnh hưởng đến sự sinh tổng hợp Protein và khả năng sử dụng các acid amin từ thực phẩm. Nó cũng liên quan đến sự chuyển hóa Carbohydrate để tạo năng lượng cho cơ thể. Do đó, thiếu kẽm có thể dẫn đến mức năng lượng thấp và là một trong những nguyên nhân của hiện tượng mệt mỏi thường xuyên. Bổ sung kẽm giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng hiệu quả hơn, vì thế có thêm năng lượng cho các hoạt động sống cơ bản như hấp thu dinh dưỡng, cũng như các hoạt động thể chất.
- Hỗ trợ sức khỏe của gan:
Giảm tỷ lệ nhiễm trùng là một trong những yếu tố có lợi cho gan vì gan là cơ quan chịu tổn thương nhiều nhất khi bất cứ bộ phận nào của cơ thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Chuyển hóa cơ bản trong quá trình chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh bên ngoài đều xảy ra ở gan. Tác dụng trung hòa gốc tự do của kẽm được cho là có lợi cho sự toàn vẹn của tế bào gan, tăng cường khả năng thải độc của gan.
- Tăng trưởng và hồi phục khối cơ:
Kẽm đóng vai trò không thể thiếu trong sự phân chia và phát triển của tế bào, do đó nó giúp cải thiện và tăng trưởng cơ bắp cũng như duy trì sức mạnh của hệ cơ và xương. Quan trọng hơn, kích thước khối cơ bắp, tỷ lệ mỡ trong cơ thể cũng như quá trình đồng hóa đều phụ thuộc rất nhiều vào hormone Testosterone, mà Testosterone lại chịu ảnh hưởng của kẽm.
Muốn tăng cơ, hãy bổ sung đủ kẽm
Kẽm có lợi cho cơ bắp vì nó làm tăng chuyển hóa Androstenedione thành Testosterone, đặc biệt là sau khi tập thể dục cường độ cao (như đẩy tạ chẳng hạn). Do đó, kẽm là khoáng chất không thể thiếu đối với cánh mày râu.
Tham khảo tại: https://draxe.com/zinc-benefits/
Bài viết liên quan: 13 lợi ích của dầu cá đối với sức khỏe
10 chất dinh dưỡng thức ăn từ động vật không thể cung cấp