Bệnh sởi ở trẻ em: một vài lưu ý

Các nghiên cứu cho thấy: 90% trẻ chưa được tiêm phòng sởi sẽ mắc bệnh sởi nếu phơi nhiễm với loại virus này.

Thực tế, ngày nay bệnh sởi ở trẻ em không còn phổ biến như trước do những chương trình tiêm chủng mở rộng từ chính phủ. Tuy nhiên ít phổ biến hơn không có nghĩa là bệnh sởi đã biến mất. Theo số liệu thống kê của WHO năm 2012, trên thế giới có 122.000 trường hợp tử vong do sởi, nghĩa là mỗi ngày có 330 trường hợp và mỗi giờ có khoảng 14 trường hợp tử vong do sởi trên khắp thế giới, và hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi.

Tiêm phòng sởi sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả

Năm 1980, bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ, nhưng đến nay sởi vẫn còn tồn tại

Nếu con bạn có những dấu hiệu của bệnh sởi: một vài nốt phát ban đỏ xuất hiện trên vùng đầu, mặt và sau đó lan xuống phía dưới, thì hãy đưa trẻ đến bác sỹ. Không những thế, bạn còn phải cách ly bé khỏi những người khác, vì virus sởi rất dễ lây, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh chưa tiêm chủng và phụ nữ có thai.

Có một vài lưu ý nhỏ khi chăm sóc trẻ bị sởi, Violetpham.vn xin được trình bày ở bài viết dưới đây.

Tránh xa những người khác

Gây ra bởi virus nên bệnh sởi ở trẻ em dễ lây đến mức chỉ cần hít thở chung một bầu không khí trong phòng với người bệnh thôi đã đủ để bạn mắc bệnh rồi. Đương nhiên đó là trong trường hợp bạn chưa được tiêm phòng.

Để bảo vệ những người khác, bạn phải cách ly trẻ bị sởi trong thời gian virus đang ở giai đoạn có thể truyền bệnh. Thời gian này được tính từ 4 ngày trước khi các nốt ban đầu tiên xuất hiện cho đến 4 ngày sau khi ban lặn. Điều này trở nên khó khăn vì thường các triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em trong thời kỳ khởi phát rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác.

Nếu trong gia đình của bé bị mắc sởi có trẻ sơ sinh chưa được chủng ngừa dưới 12 tháng tuổi, cũng như phụ nữ mang thai và trẻ em đang có hệ miễn dịch bị tổn hại thì cần được tiêm kháng thể (hay Immunoglobulin – IG). Các kháng thể này được lấy từ máu của người đã được tiêm phòng hoặc đã từng mắc sởi. Đây là loại kháng thể thụ động, có tác dụng trung hòa độc tính và ngăn cản sự nhân lên của virus.

Trẻ bị sởi cần được cách ly

Cách ly trẻ bị sởi vừa giúp trẻ nghỉ ngơi, vừa tránh lây bệnh cho người khác

Hỏi ý kiến bác sỹ về Vitamin A

Nghiên cứu cho thấy những người thiếu Vitamin A có nhiều rủi ro biến chứng khi mắc sởi hơn, bao gồm cả biến chứng viêm phổi, được coi là một trong những biến chứng nặng. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo bổ sung Vitamin A để làm giảm các triệu chứng cũng như các biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là những nước đang phát triển hoặc bất cứ nơi nào trẻ có nguy cơ thiếu Vitamin A.

Vitamin A giúp chống lại bệnh sởi

Vitamin A hỗ trợ chống lại virus sởi

Dùng thuốc hạ sốt

Trẻ bị sởi nào cũng phải trải qua các quá trình bao gồm: sốt, mắt đỏ, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ho, sau đó nổi những chấm nhỏ màu đỏ, sung huyết, mọc dần từ sau tai đến hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới.

Mặc dù không có thuốc đặc trị điều trị bệnh sởi, nhưng một số biện pháp điều trị triệu chứng có thể giúp trẻ bị sởi thoải mái hơn, trong đó bao gồm các thuốc hạ sốt. Các thuốc hạ sốt có thể dùng cho trẻ em bao gồm: Ibuprofen và Acetaminophen. Chú ý không được hạ sốt cho trẻ bị sởi bằng Aspirin vì có thể gây hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây tổn thương não và gan, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cho trẻ nghỉ ngơi và uống đủ nước

Thân nhiệt cao khiến cơ thể trẻ trở nên thiếu nước. Hãy luôn cung cấp đủ nước, và cả chất điện giải nếu cần. Trường hợp trẻ sốt ra mồ hôi, hoặc bị tiêu chảy dẫn đến mất nước thì việc này càng cần được hết sức chú ý.

Cho trẻ nghỉ ngơi là điều kiện tiên quyết để loại trừ sởi

Trẻ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn khi mắc sởi

Bỏ qua thuốc trị cảm lạnh

Mặc dù trẻ bị sởi có những triệu chứng khá giống với cảm lạnh và những nhiễm trùng đường hô hấp khác, nhưng Viện Nhi khoa quốc gia Hoa Kỳ không khuyến cáo các loại thuốc điều trị cảm lạnh không kê đơn cho trẻ sưới 4 tuổi. Các quan sát đều cho thấy các thuốc trị cảm lạnh không hề có tác dụng đối với bệnh sởi. Đôi khi những thứ thuốc này còn gây tác hại nếu không được sử dụng đúng cách.

Hãy theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm khác

Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi có nguy cơ gặp những biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi, bao gồm viêm phổi, viêm não, co giật, tiêu chảy nặng, viêm tai giữa, và mất hoàn toàn thính giác do tổn thương não không hồi phục.

Cứ 1000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi thì có 1-2 ca là do biến chứng của sởi. Hãy đưa trẻ đến khám bác sỹ nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây: sốt cao (103,5 độ F, tương đương 39,7 độ C); kích thích, quấy khóc hoặc li bì; ảo giác; thở nhanh hoặc thở khó khăn; đau đầu, co giật; thính giác hoặc thị giác bị suy giảm.

Sởi có thể có những biến chứng nguy hiểm

Biến chứng của sởi tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm

Vấn đề sức khỏe lâu dài cho trẻ bị sởi

Cứ 20 trẻ bị sởi thì có 1 trẻ bị biến chứng viêm phổi, và đó cũng là nguyên nhân tử vong do sởi phổ biến nhất. Và cứ mỗi 1000 trẻ bị sởi thì có 1 trẻ bị biến chứng viêm não hoặc viêm màng não, có thể dẫn đến co giật, điếc vĩnh viễn, hoặc tổn thương não không hồi phục.

Thêm nữa, cứ 100.000 người (cả người lớn và trẻ em) mắc sởi thì có 11 người diễn biến thành viêm não chậm, một bệnh lý thần kinh trung ương xảy ra 10 năm sau khi nhiễm virus sởi. Biến chứng này hiện nay chưa tìm được nguyên nhân, với các triệu chứng như hay quên, suy giảm trí nhớ, có thắt cơ hoặc nhược cơ, dáng đi không vững. Thuốc kháng virus có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh nhưng những người bị viêm não chậm thường chết sau 1 hoặc 2 năm từ khi phát bệnh.

Tuy vậy, hầu hết trẻ bị sởi hồi phục và không gặp bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào.

Tham khảo tại: https://www.parents.com/health/rashes/what-to-do-if-you-or-your-child-gets-the-measles/

Bài viết khác: Tất tần tật về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc các bệnh về tiêu hóa

comments