Mặc dù dị ứng thực phẩm rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành một bệnh lý khác, chúng ta vẫn có thể xác định tương đối chuẩn xác việc trẻ có bị dị ứng thực phẩm hay không dựa vào các triệu chứng được biểu hiện, tiền sử ăn uống, tiền sử gia đình của bé.
Các chuyên gia y tế ước tính dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến 4-8% trẻ em trên toàn thế giới. Và tỷ lệ này đã tăng thêm 50% trong vòng 1 thập kỷ qua, nghĩa là trên thế giới có khoảng 6-12% trẻ bị dị ứng một hoặc nhiều loại thực phẩm. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ em dưới 18 tuổi ở nước này tăng từ 3,4% năm 1997-1999 lên 5,1% trong giai đoạn 2009-2011.
Tỷ lệ dị ứng thực phẩm đang ngày càng gia tăng
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng các chuyên gia của Violetpham.vn tin rằng tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ em của Việt Nam sẽ không thấp hơn mức chung của thế giới. Lý do vì hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước cũng như việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi, dùng hóa chất để bảo quản,… đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ em.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bé bị dị ứng thức ăn?
Ở những trẻ có cơ địa dị ứng, khi thức ăn được đưa vào cơ thể, hệ miễn dịch của bé sẽ nhận diện các dị nguyên (thường là Protein trong thức ăn như trứng, cua, nhộng,…) là chất “lạ” và tấn công chúng. Quá trình tấn công này giải phóng Histamin gây phù nề, co thắt cơ trơn và tăng tiết dịch, dẫn đến các triệu chứng như phát ban, ngứa ngáy, chảy nước mũi, đau bụng, tiêu chảy,…
Các tế bào bạch cầu có thể tạo ra các kháng thể IgE, là một loại Protein có khả năng “ghi nhớ”. Ở những lần tiếp theo, khi dị nguyên xâm nhập vào cơ thể, các kháng thể khiến phản ứng dị ứng diễn ra rầm rộ và gây hậu quả nặng nề, lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện sau vài phút hoặc vài giờ sau khi trẻ ăn thực phẩm gây dị ứng. Đôi khi triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ, như trẻ phàn nàn rằng chúng thấy ngứa lưỡi, môi hơi sưng phù và thấy rát rát ở lưỡi, nhưng cũng có trường hợp phản ứng dị ứng xảy ra mãnh liệt, gây co thắt cơ trơn hô hấp khiến trẻ khó thở, thậm chí gây shock phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ em có thể dị ứng với thức ăn mà trước đó chúng đã từng ăn mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên những trường hợp như vậy không phổ biến. Thường thì trẻ sẽ biểu hiện triệu chứng ở những lần ăn đầu tiên, nhưng thức ăn gây dị ứng cũng có thể được trộn vào một loại thực phẩm khác khiến số lượng của chúng không đủ để gây dị ứng. Ví dụ như trẻ bị dị ứng hạt hạnh nhân có thể ăn hạt hạnh nhân nghiền trong bánh mỳ và không làm sao cả. Nhưng nếu bé trực tiếp ăn hạt hạnh nhân (nhất là ăn nhiều hạt) thì dị ứng sẽ xảy ra.
Dị ứng thường bắt đầu từ những năm tuổi đầu tiên
Dị ứng với sữa mẹ là trường hợp cực kỳ cực kỳ hiếm. Nếu trẻ bị dị ứng sữa mẹ thì bắt buộc phải dùng sữa ngoài hoặc các loại sữa được thiết kế riêng cho cơ địa dị ứng của các bé.
Trẻ có thể bị dị ứng với thực phẩm nào?
Thực tế, dị ứng có thể gặp ở bất kỳ loại thức ăn nào. Nhưng có 8 nhóm thực phẩm được liệt kê dưới đây chịu trách nhiệm cho 90% trường hợp dị ứng thực phẩm:
- Trứng
- Sữa bò
- Đậu phộng (lạc)
- Lúa mỳ (chủ yếu là dị ứng Gluten)
- Đậu nành
- Hạt quả hạch (như hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó,…)
- Cá (như cá ngừ, cá hồi)
- Hải sản (tôm, cua, mực nang,…)
Sữa nằm trong top đầu các thực phẩm gây dị ứng
Nên làm gì nếu nghi bé bị dị ứng thực phẩm?
Nếu bé bị khó thở, sưng phù môi, mặt hay phát ban ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, nôn mửa hoặc tiêu chảy sau khi ăn, hãy đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp ngay lập tức.
Nếu bé có triệu chứng trong vòng 2 giờ sau khi ăn một loại thức ăn nào đó, hãy gọi cho nhân viên y tế để được tư vấn. Các chuyên gia dinh dưỡng có những biện pháp để xác định chính xác bé bị dị ứng thực phẩm nào.
Một khi trẻ bị dị ứng với thức ăn, bạn cần chuẩn bị cho mọi tình huống, kể cả các tình huống xấu nhất. Đặc biệt là cấp cứu khi trẻ bị co thắt cơ trơn khí phế quản dẫn đến khó thở, như trong các trường hợp hen suyễn. Các gia đình có con bị dị ứng nên chuẩn bị các loại thuốc chống shock, kháng Histamin hoặc thậm chí Adrenaline để dự phòng trường hợp khẩn cấp.
Nếu bé được người thân chăm sóc, hoặc được đi nhà trẻ, các mẹ hãy chắc chắn rằng họ biết về việc con bạn bị dị ứng thực phẩm nào, và tốt nhất hãy phổ biến cho họ cách xử lý khi bé bị dị ứng mà bạn không có mặt ở đó.
Dị ứng thực phẩm thường có triệu chứng tiêu chảy, sôi bụng
Dị ứng có di truyền không?
Nếu bố hoặc mẹ bé bị dị ứng thực phẩm, trẻ có 50% xác suất bị dị ứng, tuy nhiên không nhất thiết phải dị ứng cùng loại thực phẩm với bố/mẹ.
Có nhiều trường hợp cha mẹ bị dị ứng thời tiết (bệnh viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô), hay dị ứng thực phẩm, nhưng trẻ em được sinh ra lại có xu hướng dễ bị dị ứng với lông động vật thay vì bị những loại dị ứng giống như bố hoặc mẹ. Nếu cả bố và mẹ của trẻ đều bị dị ứng thì xác suất trẻ bị dị ứng là 75%.
Dị ứng thực phẩm có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Một trẻ bị dị ứng thực phẩm có thể có nguy cơ bị các dị ứng liên quan khác như viêm da cơ địa, chàm eczema, hen suyễn gấp 2-4 lần so với trẻ không bị dị ứng.
Dị ứng có phát triển khi trẻ lớn lên không?
Nhiều người dị ứng với sữa, trứng, đậu nành và lúa mỳ suốt thời thơ ấu.
Trong các loại thực phẩm, dị ứng đậu phộng, các loại hạt, cá và dị ứng tôm cua có nhiều khả năng sẽ tồn tại suốt đời hơn so với những dị ứng khác.
Trẻ dị ứng bơ lạc thường vẫn bị dị ứng thức ăn này khi trưởng thành
Bất dung nạp thực phẩm với dị ứng thực phẩm khác nhau như thế nào?
Tình trạng không dung nạp thực phẩm không liên quan đến hệ miễn dịch. Nếu bé bị bất dung nạp thực phẩm thì có nghĩa là hệ tiêu hóa có một khiếm khuyết nào đó, khiến cơ thể không thể tiêu hóa được một hoặc một nhóm thực phẩm. Thường thì trẻ bất dung nạp thực phẩm sẽ có các triệu chứng như đầy hơi, trướng bụng hoặc tiêu chảy sau khi ăn loại thức ăn đó.
Một trong những chứng bất dung nạp phổ biến nhất là không dung nạp Lactose, xảy ra khi cơ thể thiếu men Lactose để phân cắt đường Lactose (thường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa). Lactose không được tiêu hóa trở thành thức ăn cho vi khuẩn, quá trình lên men của các vi khuẩn này sinh ra các chất khí, do đó làm bụng căng trướng, kích thích co bóp cơ trơn dạ dày ruột gây đau bụng, tiêu chảy.
Nên làm gì khi có con bạn bị dị ứng thực phẩm?
Việc cần làm đầu tiên đó là hãy nói chuyện với các chuyên gia y tế hay những nhà dinh dưỡng học để vạch ra một kế hoạch chi tiết cho chế độ ăn của trẻ. Một nhật ký ghi chép đầy đủ các loại thức ăn mà trẻ tiếp xúc, đi kèm với những xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu có thể được thực hiện để xem những biểu hiện của trẻ có phải do phản ứng miễn dịch gây ra không.
Làm gì để ngăn ngừa hay trì hoãn dị ứng thực phẩm?
Trước đây, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ từng khuyến nghị việc tránh cho trẻ tiếp xúc với với các tác nhân có thể gây dị ứng ở những bé có nguy cơ cao (như bố mẹ bị dị ứng thực phẩm chẳng hạn).
Các chuyên gian trong lĩnh vực dinh dưỡng y học cho rằng chúng ta nên tập cho bé làm quen dần với các loại thực phẩm ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm (4-6 tháng tuổi). Ở giai đoạn này, trẻ sẽ được tiếp xúc với thức ăn mới từng loại một, do đó nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào thì chúng ta ngay lập tức xác định được nguyên nhân dị ứng là do thực phẩm nào.
Sữa bò không được khuyến khích đối với trẻ dưới 1 tuổi, nhưng các loại sữa công thức khác vẫn có thể được sử dụng.
Dị ứng thực phẩm có chữa được không?
Tại thời điểm hiện tại, chưa có loại thuốc nào thực sự điều trị được các dị ứng thực phẩm, người bệnh chỉ còn cách tránh tối đa việc tiêu thụ các thực phẩm gây dị ứng.
Nhiều loại thực phẩm được chế biến cùng với những nguyên liệu khác, vì thế chúng ta đôi khi không thể nhận ra sự có mặt của chúng. Hầu hết mọi người bị dị ứng thực phẩm khi ăn những thức ăn mà họ cho là an toàn.
Các chính phủ hiện nay thường yêu cầu nhà sản xuất liệt kê các chất gây dị ứng có thể có trên nhãn sản phẩm (bao gồm 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng ở mục trên). Tất cả các nhãn dán cần được liệt kê bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Ví dụ phải nói sản phẩm chứa/không chứa trứng thay vì Albumin (một Protein có trong trứng).
Các Protein gây dị ứng có thể được hấp thu và chuyển nguyên vẹn (hoặc 1 phần) vào sữa mẹ, vì vậy bé có thể bị dị ứng gián tiếp do tiêu thụ sữa mẹ chứa Protein gây dị ứng. Khi đó các mẹ bỉm sữa cũng phải hạn chế hoặc hoàn toàn tránh ăn các thực phẩm gây dị ứng này.
Tham khảo tại: https://www.babycenter.com/0_food-allergies_12409.bc
Bài viết khác: Có nên cho bé dùng xe tập đi?
Dùng địu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ liệu có an toàn?