Thiếu máu ở trẻ em do thiếu sắt là một dạng bệnh phổ biến, trong đó số lượng các tế bào hồng cầu (có chức năng vận chuyển oxy) bị giảm xuống. Hệ quả là các mô của cơ thể không được cung cấp đủ oxy, dẫn đến mệt mỏi, tim đập nhanh, hơi thở ngắn, trẻ em chán ăn, chậm lớn, chậm tăng trưởng chiều cao,… Theo thống kê mà Violetpham.vn cập nhật, Việt Nam có 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu, 60% trong số đó bị thiếu máu do thiếu sắt.
Các tế bào hồng cầu có thể thực hiện chức năng vận chuyển Oxy và CO2 chủ yếu là do chúng chứa một protein màu đỏ (gọi là huyết cầu tố hay Hemoglobin). Cấu trúc của Hemoglobin có sự tham gia của các phân tử sắt, một kim loại có 2 hóa trị (hóa trị 2 và hóa trị 3), giúp nó liên kết lỏng lẻo với Oxy và Carbonic, do đó Hemoglobin có thể vận chuyển Oxy đến tế bào, đồng thời mang CO2 đi đến phổi để thải ra ngoài. Khi cơ thể thiếu sắt sẽ gây thiếu nguyên liệu sản xuất hồng cầu và thiếu máu xảy ra.
Trẻ sơ sinh có sắt “dự trữ” từ mẹ chuyển cho nên ít bị thiếu máu
Các triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt
Ban đầu, thiếu máu do thiếu sắt có thể bị bỏ qua do chúng không biểu hiện triệu chứng đáng chú ý nào. Cơ thể có thể cân bằng lại bằng cách tăng hấp thu sắt từ thức ăn, giảm thải trừ sắt ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên cơ chế này chỉ đáp ứng được khi thiếu sắt ở mức độ nhẹ. Thiếu sắt mức độ vừa và nặng có thể gây ra:
- Mệt mỏi
- Dễ ốm
- Da tái, xanh xao
- Đau ngực, nhịp tim nhanh và hơi thở ngắn
- Đau đầu, chóng mặt, choáng váng
- Bàn tay và bàn chân lạnh
- Viêm hoặc đau lưỡi
- Móng tay dễ gãy
- Chán ăn, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi, chán ăn, trẻ em chậm lớn
Khi nào cần đến khám bác sỹ?
Nếu bé có những dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt như trên, trẻ cần được đi khám ở cơ sở y tế. Việc chẩn đoán và xác định mức độ thiếu máu do thiếu sắt không thể được tự thực hiện tại nhà mà cần phải có những xét nghiệm và thăm khám chuyên khoa.
Việc bổ sung sắt cũng cần được chỉ định của bác sỹ vì thừa sắt có thể gây độc cho cơ thể, do sắt lắng đọng gây tổn thương gan, hoặc gây những biến chứng khác.
Nguyên nhân thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi tổng lượng sắt cơ thể hấp thu được không đáp ứng đủ nhu cầu cho quá trình sản xuất Hemoglobin. Thiếu sắt cũng có thể xảy ra khi cơ thể bị mất một lượng sắt trong thời gian dài (thiếu máu mạn tính).
- Mất máu: do hầu hết sắt có trong cơ thể đều được dùng để tổng hợp Hemoglobin của hồng cầu, nên khi bạn mất hồng cầu đồng nghĩa với mất sắt.
Phụ nữ đến thời kỳ kinh nguyệt có thể mất máu nhiều đến mức gây bệnh lý, mất thiếu sắt mạn tính có thể do loét dạ dày tá tràng, polyp đại tràng hoặc ung thư đạu trực tràng.
Xuất huyết tiêu hóa có thể do ký sinh trùng (giun móc chẳng hạn) hay dùng thuốc (thuốc gây khó đông máu như Coumarin, Aspirin).
- Thiếu sắt do chế độ ăn: thực phẩm giàu sắt khá phổ biến, và chúng ta hoàn toàn có thể nhận được đủ nhu cầu sắt hàng ngày từ thức ăn mà không cần đến sản phẩm bổ sung.
Tuy nhiên, với những người kén ăn, ăn chay, đường ruột kém thì khả năng thiếu sắt sẽ cao hơn.
Chế độ ăn không cân đối có thể dẫn đến thiếu máu
- Hấp thu sắt bị cản trở: sắt được hấp thu chủ yếu trong ruột non. Các rối loạn đường ruột như tiêu chảy mạn tính, bệnh Celiac,… có thể làm giảm đáng kể khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm, do đó gây thiếu sắt.
- Mang thai: khi mang thai, người phụ nữ cần gấp đôi nhu cầu sắt, vì thế nếu không được bổ sung sắt thường xuyên, họ sẽ có thể bị thiếu sắt.
Các yếu tố rủi ro
Những nhóm người sau có nguy cơ thiếu sắt cao hơn các nhóm khác:
- Phụ nữ: trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ bị mất máu do kinh nguyệt mỗi tháng khiến một lượng lớn sắt bị hao hụt và gây thiếu máu.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: những bé nhẹ cân, tăng cân chậm, sinh non càng có nguy cơ thiếu sắt, trong khi trẻ sơ sinh đủ tháng không cần bổ sung sắt cho đến khi được 6 tháng tuổi. Trẻ em cũng ít có ý thức ăn uống sao cho lành mạnh nên sự thiếu hụt sắt cũng dễ xảy ra hơn.
- Những người ăn chay: mặc dù có nhiều loại rau quả giàu sắt nhưng vấn đề là sắt trong thức ăn thực vật là loại khó hấp thu, trong khi những người ăn chay hoàn toàn từ chối ăn thịt (là nguồn sắt tối quan trọng vì thịt vừa có hàm lượng sắt dồi dào, vừa là sắt dễ hấp thu).
- Người hiến máu thường xuyên: tương tự như phụ nữ mất máu do kinh nguyệt, những người thường xuyên hiến máu tình nguyện có nguy cơ thiếu máu nếu họ không tuân thủ đúng nguyên tắc: 2 lần hiến máu phải cách nhau ít nhất 3 tháng.
Các biến chứng
Thiếu sắt nhẹ thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị triệt để, thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng:
- Vấn đề về tim mạch: thiếu máu khiến nhịp tim nhanh hơn hoặc không đều. Tim phải hoạt động cật lực để bù đắp cho sự thiếu hụt oxy, lâu dài khiến cơ tim phát triển và tim to lên, hoặc suy tim.
- Các vấn đề khi mang thai: ở phụ nữ có thai, thiếu máu do thiếu sắt nặng có thể là nguyên nhân dẫn đến đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp. Do đó, ngày nay những phụ nữ muốn mang thai đều được khuyến nghị bổ sung sắt trước và trong quá trình mang thai.
- Vấn đề tăng trưởng: thiếu máu gây chậm phát triển về thể chất ở trẻ em. Sắt cũng cần thiết cho quá trình hình thành tế bào máu, vì thế thiếu sắt có thể khiến cơ thể nhạy cảm hơn và khó chống đỡ trước sự xâm nhập của vi khuẩn.
Thiếu sắt gây kém ăn, kém ăn lại gây thiếu sắt, một vòng luẩn quẩn
Phòng ngừa
Có nhiều cách để phòng ngừa và ngăn chặn thiếu máu do thiếu sắt.
Chọn thực phẩm giàu sắt, bao gồm:
- Thịt đỏ như thịt lợn, bò, cừu
- Gia cầm như ngan, ngỗng, gà vịt
- Hải sản
- Các loại đậu
- Rau có lá màu xanh đậm (rau muống, cải thìa, rau chân vịt, súp lơ xanh)
- Trái cây sấy khô
- Ngũ cốc tăng cường
- Đậu Hà Lan
Cơ thể dễ hấp thu sắt từ thịt hơn từ các nguồn thực vật.
Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt:
Điều này khá đơn giản, các thực phẩm giàu Vitamin C có thể được tiêu thụ cùng với thức ăn giàu sắt để tăng khả năng hấp thu. Tuy nhiên nó không có nghĩa là bạn phải uống nước cam/chanh ngay sau bữa ăn. Có thể kết hợp thực phẩm giàu sắt với thức ăn giàu Vitamin C như:
- Súp lơ xanh
- Bưởi
- Kiwi
- Rau lá xanh
- Dưa hấu
- Cam
- Ớt chuông
- Dâu tây
- Quýt
- Cà chua
Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt
Để ngăn ngừa thiếu sắt đối với trẻ em, có thể tăng lượng thực phẩm giàu sắt trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, những trường hợp kén ăn, ăn kém có thể khiến cơ thể thiếu sắt. Thiếu sắt lại gây mệt mỏi, kém ăn và sau đó kém ăn lại gây thiếu sắt, nó tạo thành một vòng xoắn bệnh lý.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi được khuyến khích bú mẹ hoàn toàn, trong khi sữa bò không được khuyến khích cho trẻ dưới 1 tuổi do sữa bò được xem là một nguồn nghèo sắt. Từ tháng thứ sáu, thực đơn ăn dặm của trẻ có thể được tăng cường thực phẩm giàu sắt như thịt xay nhuyễn. Với trẻ 1 tuổi, có thể cho bé uống sữa bò tuy nhiên không quá 20 ounce (khoảng 600ml) mỗi ngày, vì việc uống sữa sẽ làm trẻ giảm tiêu thụ các thực phẩm khác, trong đó có thực phẩm giàu sắt.
Tham khảo tại: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/iron-deficiency-anemia/symptoms-causes/syc-20355034
Bài viết khác:
Trẻ bị ho và cảm lạnh: nên điều trị tại nhà hay dùng thuốc?
13 lợi ích của dầu cá đối với sức khỏe – Dầu cá Blossom Omega-3 Fish Oil 1000mg