Cân nặng sơ sinh của trẻ: khi nào cần quan tâm?

Trẻ sơ sinh có cân nặng trung bình khoảng 2,8-3,5 kg. Điều này đồng nghĩa với những thay đổi cân nặng có thể là rất nhỏ với chúng ta nhưng lại là thay đổi lớn đối với trẻ.

Ví dụ việc giảm 0,5kg ở người trưởng thành không phải điều gì to tát, nhưng giảm 0,5kg ở một bé sơ sinh nặng 4kg nghĩa là trẻ đã giảm đến 12,5% trọng lượng cơ thể. Đây là một con số cảnh báo sự nguy hiểm.

Nếu có bất cứ lo lắng nào về cân nặng của trẻ thì bạn đều nên tham khảo ý kiến của bác sỹ. Việc tăng trưởng cân nặng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ở giai đoạn sơ sinh, các bác sỹ sẽ cung cấp một biểu đồ thể hiện cân nặng và chiều cao bình thường của trẻ. Sau đó, BMI (chỉ số khối cơ thể – Body Mass Index) sẽ được tính để xem xét sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng đó có tương ứng với nhau không, và dùng nó để so sánh với trẻ khác có cùng giới tính và độ tuổi.

Hãy nhớ rằng trẻ cần một chế độ ăn giàu chất béo để tăng trưởng ngay từ giai đoạn sơ sinh. Một đứa trẻ bú sữa mẹ chỉ lấy một nửa lượng calo hàng ngày từ chất béo trong sữa mẹ, do đó việc cắt bớt năng lượng để giảm cân không được khuyến khích ở trẻ dưới 2 tuổi.

Tuy nhiên, thừa cân đôi khi là một mối quan ngại. Cân nặng lớn có thể trì hoãn sự vận động, khiến trẻ không được rèn luyện và ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ. Trong khi một đứa bé có cân nặng sơ sinh cao không hẳn là một đứa bé thừa cân thì một trẻ béo phì thường vẫn là một người béo phì khi trưởng thành.

Để trẻ có cân nặng lành mạnh, chúng ta cần:

  • Kiểm soát cân nặng ngay trong giai đoạn mang thai: thừa cân trong giai đoạn mang thai có thể làm tăng cân nặng sơ sinh quá mức ở trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu cho thấy khi cân nặng sơ sinh tăng, nguy cơ béo phì khi trưởng thành cũng tăng theo.
  • Bú sữa mẹ: nhiều nhà khoa học tin rằng việc cho trẻ bú sữa mẹ có thể làm giảm tỷ lệ béo phì ở trẻ.
  • Hạn chế thức uống có đường: nước ép trái cây không phải một thành phần nhất thiết phải có trong khẩu phần ăn của trẻ. Khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm, hãy chú trọng việc cung cấp các loại trái cây thô, cũng như các loại rau giàu chất xơ và Vitamin thay vì các loại nước ép.
  • Thử giúp trẻ tự thư giãn: hãy tránh việc ngay lập tức “cả vú lấp miệng em” để trẻ bú ngay khi bé vừa có dấu hiệu thức giấc hay bắt đầu cơn khóc. Đôi khi chỉ cần những cái vỗ nhẹ, một môi trường yên bình và không tiếng ồn là tất cả những gì cần thiết.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện giải trí: Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến khích không nên cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử như TV, máy tính, điện thoại thông minh,… Trẻ càng xem TV nhiều thì nguy cơ béo phì càng cao.

Khi trẻ lớn hơn, hãy nói chuyện với các bác sỹ về cân nặng và dinh dưỡng của bé. Nếu gặp các vấn đề sâu hơn, có thể bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia dinh dưỡng.

 

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/expert-answers/baby-fat/faq-20058296

 

comments