Có lẽ nhiều người sẽ thay đổi quan điểm của mình về việc ăn uống sau khi đọc bài viết này.
Thực tế, việc sử dụng thực phẩm là vô cùng quan trọng vì không chỉ thỏa mãn vị giác, thức ăn còn ảnh hưởng quyết định đến sức khỏe của chúng ta. Một cơ thể khỏe mạnh cần một hệ miễn dịch hoạt động tốt. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh lại cần những gì?
Bản chất của các kháng thể mà tế bào miễn dịch tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh (thường là các vi khuẩn, virus) chính là các chuỗi Protein. Đây chính là lý do tại sao một chế độ ăn nghèo đạm, nhất là đạm động vật khiến cho những trẻ suy dinh dưỡng dễ gặp những vấn đề về sức khỏe do hệ miễn dịch thiếu hụt nguyên liệu để chế tạo các kháng thể. Một chế độ ăn cung cấp đủ các acid amin thiết yếu sẽ là tiền đề để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Trong bài viết dưới đây, Violetpham.vn tập trung vào chế độ ăn như thế nào là tốt cho hệ hô hấp, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen phế quản,… đặc biệt là ở trẻ em.
Chế độ ăn có ảnh hưởng đến các bệnh hô hấp
Thế nào là một chế độ ăn lành mạnh?
Ăn uống làn mạnh là ăn nhiều loại thực phẩm đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày và với số lượng thích hợp. Điều này bao gồm việc dùng nhiều trái cây và rau quả cũng như các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Các thực phẩm giàu Protein, như đã nói ở trên, cũng vô cùng quan trọng. Nhóm này bao gồm các loại thực phẩm như thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu, các loại hạt và sản phẩm từ sữa như sữa chua hay pho-mát. Bởi không có một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ cho tất cả nhu cầu dinh dưỡng của con người, vì thế việc kết hợp nhiều loại thực phẩm trong thực đơn là điều cần thiết.
Một chế độ ăn với rau xanh và ngũ cốc được xem là lành mạnh
Có thực phẩm nào đặc biệt hữu ích cho các bệnh hô hấp không?
Trái cây và rau quả: tập trung vào việc tăng lượng tiêu thụ trái cây và rau xanh là một chiến lược đơn giản và hiệu quả để có một sức khỏe tổng thể. Hoa quả và rau xanh giàu Vitamin, các khoáng chất và chất xơ.
Một nghiên cứu yêu cầu những người mắc bệnh hen suyễn tăng cường tiêu thụ trái cây và rau (7 phần ăn/ngày) và so sánh họ với một nhóm khác tiêu thụ ít hơn (3 khẩu phần ăn/ngày) trong 3 tháng. Kết quả cho thấy nhóm ăn ít rau có tỷ lệ khởi phát cơn hen cao gấp đôi nhóm ăn nhiều rau.
Một nghiên cứu khác trên bệnh nhân COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) cũng cho thấy một chế độ ăn với rau xanh và hoa quả chiếm tỷ lệ lớn giúp chức năng phổi của người bệnh được cải thiện rõ rệt và các triệu chứng bao gồm khó thở, ho có đờm đều giảm.
Sữa và các chế phẩm từ sữa: để giữ cho xương chắc khỏe và răng ít bị sâu, chúng ta cần Calci và sữa là một nguồn cung cấp Calci tuyệt vời. Chăm sóc cho sức khỏe xương là một điểm đặc biệt quan trọng nếu như bạn bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì các thuốc điều trị những bệnh này (bao gồm cả Sterioid chống viêm) có thể gây mất Calci của xương. Do đó, việc tăng cường cung cấp Calci cho cơ thể là rất quan trọng.
Nhiều người cho rằng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp và tai mũi họng không nên dùng các thực phẩm từ sữa, tuy nhiên đó chỉ là một “truyền thuyết” và không hề có căn cứ khoa học. Nó chỉ khiến chúng ta có ít lựa chọn lành mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu Calci của cơ thể.
Sữa không tốt cho bệnh hô hấp ư? Điều này hoàn toàn sai lầm
Thực phẩm giàu đạm: đối với bệnh nhân bị bệnh hô hấp, đặc biệt là COPD thì suy dinh dưỡng và thiếu cân trở thành vấn đề nghiêm trọng và họ cần tăng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể – Body Mass Index). Tuy nhiên, sự thật lại đi ngược lại với yêu cầu này, bởi người bệnh thường có xu hướng ăn uống ít hơn vì họ cảm thấy khó thở, chán ăn. Ở bệnh nhân bị thiếu cân, lượng Protein và calo có thể được bổ sung bằng cách tăng cường các thực phẩm được làm giàu như sữa bột cao năng lượng, pho-mát, sữa trứng, bơ lạc, hoặc các sữa công thức dành riêng cho người gầy.
Nên tránh những thực phẩm nào?
Các loại thực phẩm chế biến sẵn là những thứ nên tránh, vì chúng chứa đầy chất béo bão hòa, đường, tinh bột tinh luyện hoặc Natri. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu cho thấy sự liên hệ giữa việc tiêu thụ thức ăn nhanh và nước ngọt với việc tăng nguy cơ phát triển hen suyễn và COPD.
Đội ngũ nghiên cứu, tác giả của bài viết này, đã làm một thử nghiệm trong đó tăng cường khẩu phần thức ăn nhanh, nhiều tinh bột và năng lượng từ dầu mỡ đối với bệnh nhân hen suyễn. Kết quả là hiện tượng viêm đường hô hấp ở những bệnh nhân này có dấu hiệu nặng hơn, đặc biệt là Ventolin (chứa Salbutamol – một thuốc giãn phế quản) mà những bệnh nhân này dùng trở nên kém hiệu quả hơn. Thông thường, Ventolin có tác dụng kéo dài từ 4-6 giờ, nhưng ở những bệnh nhân này, tác dụng của thuốc biến mất sau 2-3 giờ, nghĩa là giảm xuống chỉ còn ½. Đội ngũ nghiên cứu kết luận: ăn thực phẩm tươi sống đã được nấu chín thay vì các thực phẩm chế biến sẵn là một lựa chọn lành mạnh hơn nhiều.
Thực phẩm chế biến sẵn là những “đồng minh của bệnh hô hấp”
Việc giảm cân liệu có cần thiết?
Cho dù bạn có mắc các bệnh hô hấp mạn tính hay không thì thừa cân và béo phì vẫn luôn là kẻ thù đối với sức khỏe của bạn. Quá cân làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường tuýp 2, các bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư và thậm chí là chứng ngừng thở khi ngủ. Các tảng mỡ cũng đặt 2 lá phổi dưới áp lực lớn hơn, do đó khiến các bó cơ đảm nhiệm hoạt động hít thở phải làm việc nhiều hơn.
Thự tế, ở những người béo phì bị hen suyễn, chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể thì việc kiểm soát hen và nâng cao chất lượng cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về việc quản lý cân nặng tác động như thế nào lên người bệnh, nhưng các nhà khoa học vẫn tin rằng việc giảm cân bằng cách tăng cường rèn luyện thể chất, tất nhiên là với cường độ thích hợp, là cần thiết để cải thiện tình trạng bệnh.
Tham khảo tại: https://lungfoundation.com.au/healthy-eating-in-lung-disease/