Ba tháng biết lẫy, sáu tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Thật là tuyệt vời khi chúng ta chứng kiến các bé cưng bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên. Điều này là một quá trình hết sức tự nhiên, trẻ sẽ dần cứng cáp và biết cách bám vào thành giường, tay vịn ghế để đứng lên, cũng như học cách kiểm soát các cơ của tay, chân, hông, đùi,… để đứng thẳng lên và bước đi.
Nhiều bậc cha mẹ không thể đồng hành giúp bé trong quãng thời gian tập đi này, và khi đó chiếc xe tập đi trở thành một “cứu cánh” hỗ trợ đắc lực cho bé. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Violetpham.vn việc làm này tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ có thể lường trước được.
Xe tập đi được ưa dùng vì nó tiện lợi và giúp các mẹ rảnh tay
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không nên dùng xe tập đi cho các bé, vì nhiều nguyên nhân:
- Bé có thể vấp và ngã khi quá phấn khích
- Xe tập đi không an toàn khi phòng có cầu thang, trẻ có thể di chuyển và bị lăn xuống
- Bé có thể đi đến những nơi nguy hiểm (mà bình thường trẻ tập đi không di chuyển đến được)
- Việc thường xuyên dùng xe tập đi có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương chậu, đùi, đầu gối và dáng đi của trẻ
Một trong những điều gây bất ngờ cho nhiều phụ huynh đó là các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc sử dụng xe tập đi không giúp gì cho quá trình tập đi của bé. Không những thế, việc dựa dẫm vào xe tập đi thậm chí còn làm giảm ham muốn vận động các cơ hông và chân của trẻ, khiến bé chậm biết đi hơn.
Bao giờ cũng thế, phải học bò trước khi học chạy. Trẻ tập đi một cách tự nhiên thì sẽ tuân theo các giai đoạn từ thấp đến cao: đầu tiên trẻ sẽ học cách ngồi dậy, nhổm mông, sau đó đứng thẳng và cuối cùng là bước đi. Thế nhưng, với trẻ ngồi xe tập đi, bé sẽ chỉ chạm chân xuống đất để kéo cơ thể di chuyển mà không đặt toàn bộ trọng lượng của cơ thể trên đôi chân. Điều này khiến các cơ chân không được tập luyện, trẻ cũng không cần điều chỉnh thăng bằng nên sẽ không học được cách đứng vững.
Trẻ cần tập đứng cho vững rồi mới nên tập bước đi
Các nghiên cứu cho thấy, việc đặt bàn chân lên mặt đất là yếu tố trọng yếu quyết định việc bước đi của trẻ có vững vàng hay không. Trong khi đó, trẻ ngồi xe tập đi chỉ dùng ngón chân và phần trước bàn chân để di chuyển. Hệ quả là, các cơ bắp ở cổ chân và bàn chân không phát triển đúng cách, trẻ sẽ chậm biết đi bằng cả 2 chân.
Nhiều người tin rằng việc cho bé ngồi vào xe tập đi quá sớm (trước 9 tháng tuổi) có thể gây hại cho cấu trúc xương chân và gây dáng đi xấu. Điều này là có cơ sở vì trẻ đi bằng xe tập thường vừa ngồi vừa đi, thường xuyên nghiêng một bên thân người để dồn trọng lực vào một bên, những điều này đều trái với các nguyên lý tự nhiên và gây tác động xấu.
Lạm dụng xe tập đi là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ chân vòng kiềng
Ở một số nước châu Âu, nơi mà luật bảo vệ trẻ em được đặt ra nghiêm khắc hơn những nhóm nước khác, chính quyền thậm chí cấm người dân sử dụng xe tập đi dành cho bé.
Một trong những lựa chọn thay thế xe tập đi đó là xe đẩy. Mục đích của loại xe đẩy này khác với xe tập đi tròn kiểu truyền thống. Trong khi xe tròn cho phép bé vừa ngồi vừa đi thì xe đẩy chỉ cung cấp một điểm tựa và tạo điều kiện để trẻ có thể vịn và bước đi bằng 2 chân chạm đất.
Xe đẩy chỉ cung cấp chỗ vịn, kích thích bé di chuyển
Trường hợp các mẹ vẫn lựa chọn cho bé ngồi xe tập đi, lời khuyên được đưa ra đó là hãy chỉ cho bé ngồi xe khi đã bước sang tháng tuổi thứ 9, đồng thời không cho bé ngồi quá 15 phút/lần và không quá 4 lần/ngày.
Tham khảo tại: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/expert-answers/baby-walkers/faq-20058263
Xem thêm: Vòng cổ hổ phách cho bé mọc răng: những điều cần biết