Tại Mỹ, chỉ tính riêng năm 2017, Viện Y tế quốc gia nước này đã báo cáo: có 28.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2. Mỗi năm tỷ lệ đái tháo đường tuýp 1 tăng 1,8% và tuýp 2 tăng 4,8%.
Từ năm 2011 đến 2012, 17.900 thanh niên dưới 20 tuổi được chẩn đoán tiểu đường loại 1 và 5.300 trẻ em từ 10 đến 19 tuổi được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2. Điều này dấy lên lo ngại vì những người mắc tiểu đường sẽ đối mặt với những thách thức về sức khỏe trong suốt cuộc đời họ.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng cùng với sự phát triển của đời sống hiện đại, bệnh đái tháo đường có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến, tạo thành một gánh nặng y tế cho nhiều gia đình và toàn xã hội.
Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng giúp chẩn đoán sớm đái tháo đường, từ đó việc kiểm soát căn bệnh này và sống chung với nó trở nên hiệu quả hơn.
Đái tháo đường tuýp 1 thường gặp ở người trẻ
Thông tin nhanh về tiểu đường trẻ em
- Tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều liên quan đến Insulin
- Các triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện chỉ sau vài tuần còn loại 2 phát triển âm thầm trong thời gian dài hơn
- Nếu tiểu đường tuýp 1 không được phát hiện, trẻ có thể bị nhiễm toan Ceton
- Các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường tuýp 2 bao gồm các bệnh về thận và mắt.
Tiểu đường trẻ em
Đái tháo đường tuýp 1 và 2 là 2 bệnh khác nhau, nhưng chúng đều ảnh hưởng đến việc sử dụng Insulin của cơ thể.
Đái tháo đường tuýp 1 xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ Insulin. Vì không có Insulin, đường không thể được vận chuyển từ máu vào trong các tế bào, do đó đường trong máu tiếp tục tăng lên sau các bữa ăn cuối cùng được thải ra ngoài qua nước tiểu.
Để điều trị, người bệnh buộc phải sử dụng Insulin suốt đời và định kỳ theo dõi lượng đường trong máu, kết hợp với chế độ ăn và tập luyện riêng để duy trì đường huyết tối ưu.
Đái tháo đường tuýp 2 ít gặp hơn ở trẻ nhỏ, nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Trong đó Insulin không thể gắn lên các receptor (thụ thể) của nó trên thành tế bào, hệ quả là dù cơ thể có tiết ra đủ Insulin thì tế bào vẫn không dùng được hormone này, hệ quả vẫn là đường huyết tăng cao.
Chế độ ăn có ảnh hưởng quyết định đến bệnh đái tháo đường
Triệu chứng của tiểu đường trẻ em
Đái tháo đường tuýp 1:
- Tăng cảm giác khát, uống nhiều, đái nhiều
- Tăng cảm giác đói
- Giảm cân
- Mệt mỏi
- Kích thích
- Hơi thở có mùi trái cây
Một vài người đôi khi gặp phải vấn đề suy giảm thị lực. Các bé gái có thể bị nhiễm nấm sinh dục. Trong đó sụt cân nhanh là triệu chứng thường gặp nhất trước khi chẩn đoán.
Hiệp hội đái tháo đường Liên hiệp vương quốc Anh cảnh báo dấu hiệu 4T ở trẻ bao gồm:
- Toilet (nhà vệ sinh): trẻ đi tiểu nhiều hơn, đái dầm đối với trẻ lớn trước đây không bị đái dầm
- Thirsty (khát nước): trẻ uống nhiều nước hơn bình thường nhưng dường như không hết khát
- Tired (mệt mỏi): trẻ mệt mỏi hơn bình thường, và mệt mỏi thường xuyên
- Thinner (gầy hơn): giảm cân nhanh và nhiều
Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều là 4 dấu hiệu điển hình nhất
Đái tháo đường tuýp 2:
- Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm
- Khát và uống nhiều nước hơn
- Mệt mỏi
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục, có thể nhiễm nấm men
- Chậm lành vết thương
- Khô mắt hoặc giảm thị lực
Các dấu hiệu sớm
Theo một cuộc khảo sát năm 2012 của Hiệp hội đái tháo đường Liên hiệp vương quốc Anh, chỉ 9% số cha mẹ có khả năng xác định 4 triệu chứng chính của đái tháo đường tuýp 1 ở con cái họ. Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ này tăng lên 14%.
Trong rất nhiều trường hợp, trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 không được chẩn đoán sớm cho đến khi bệnh tiến triển nặng mới phát hiện, và thậm chí có những ca sự chậm trễ trong chẩn đoán dẫn đến tử vong.
Có một sự thật là trừ khi làm các xét nghiệm, các chuyên gia y tế cũng có thể không xác định được dấu hiệu sớm của tiểu đường ở trẻ. Một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của tiểu đường tuýp 1 không được kiểm soát là toan máu Ceton.
Toan máu Ceton do đái tháo đường
Trẻ mắc tiểu đường loại 1, và hiếm khi, cả trẻ mắc tiểu đường loại 2, có thể phát triển thành nhiễm độc máu do Ceton (DKA – Ketoacidosis). Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ mắc tiểu đường tuýp 1.
Khi cơ thể thiếu Insulin, các tế bào không thể sử dụng Glucose để tạo năng lượng. Thay vào đó, chúng sử dụng chất béo, và sản phẩm của quá trình chuyển hóa này chính là các hợp chất Ceton. Các chất này có tính acid làm rối loạn pH máu.
Chẩn đoán sớm có thể giúp giảm thiểu, hoặc ngăn ngừa toan máu do Ceton, nhưng đôi khi mọi nỗ lực vẫn không mang lại kết quả. Trong một cuộc nghiên cứu trên những trẻ 8-16 tuổi mắc tiểu đường tuýp 1, nhiều trẻ được chẩn đoán mắc đái tháo đường rất sớm (trước 2 tuổi) nhưng 80% số đó đã phát triển thành DKA.
Một cuộc điều tra khác được công bố năm 2008 cho thấy, trong 335 trẻ em dưới 17 tuổi mắc tiểu đường tuýp 1, có 16% trường hợp chẩn đoán ban đầu là không chính xác. Tiếp đó, 46,3% được chẩn đoán nhiễm trùng đường hô hấp, 16,6% nhiễm nấm Candida sinh dục, 16,6% bị viêm dạ dày ruột, 11,1% nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các biến chứng của đái tháo đường tuýp 2
Đối với trẻ mắc đái đường tuýp 2 không được kiểm soát, sự tiến triển, mặc dù chậm hơn so với đái đường tuýp 1 nhưng vẫn nhanh hơn rất nhiều so với ở người lớn, đồng thời có nguy cơ biến chứng cao hơn. Nhất là các biến chứng ở thận và mắt, các bệnh về huyết áp, Cholesterol máu cao.
Tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em gần như luôn luôn liên quan đến béo phì, cả hai tình trạng này sẽ khiến trẻ gặp nhiều rủi ro hơn. Do đó, việc phát hiện sớm đái đường tuýp 2 đồng thời chú ý đến việc kiểm soát cân nặng ở trẻ là điểu hết sức quan trọng. Điều này bao gồm khuyến khích trẻ theo một chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh.
Phát hiện càng sớm thì càng hạn chế biến chứng
Không bỏ qua bất cứ triệu chứng nào
Trẻ em và thanh thiếu niên mắc tiểu đường điển hình sẽ biểu hiện cả 4 triệu chứng chính, nhưng đa số thường chỉ thể hiện 1 hoặc 2 triệu chứng. Một số trường hợp thậm chí không có triệu chứng nào đáng kể.
Nếu trẻ trở nên thường xuyên khát nước, mệt mỏi hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường, cha mẹ các bé có thể không nghĩ đến tiểu đường. Tuy nhiên hiện nay, chế độ ăn và sinh hoạt khiến bệnh tiểu đường trở nên phổ biến, vì vậy các bậc cha mẹ không nên chủ quan và bỏ qua bất cứ dấu hiệu nào. Hơn nữa, việc xét nghiệm tiểu đường không phải là quá khó khăn.
Chẩn đoán
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong số 4T, các bậc cha mẹ nên đưa chúng đến bác sỹ và cần một thử nghiệm sàng lọc cho bệnh đái tháo đường tuýp 1.
Điều này bao gồm xét nghiệm nước tiểu để tìm đường trong nước tiểu, hoặc xét nghiệm máu để xác định mức Glucose. Điều này là hết sức quan trọng, đôi khi chẩn đoán sớm và chẩn đoán muộn chỉ khác nhau vài giờ.
Viện Nhi khoa quốc gia Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo nên chỉ định xét nghiệm đái tháo đường rộng rãi hơn, đặc biệt là ở những người mà thành viên trong gia đình có tiền sử đái tháo đường.
Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) thì khuyến cáo nên xét nghiệm những trẻ em thừa cân trên 10 tuổi, mặc dù có thể các em không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào, nếu trẻ có 2 trong số những yếu tố nguy cơ sau:\
- Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường tuýp 2 cách nhau 1 hoặc 2 đời
- Những chủng tộc có nguy cơ cao (người Mỹ bản xứ, người Mỹ gốc Á và người châu Á)
- Dấu hiệu kháng Insulin
- Có tiền sử tiểu đường thai kỳ ở mẹ
Hậu quả của đái tháo đường được cải thiện rất nhiều nếu được phát hiện sớm.
Tham khảo tại: https://www.medicalnewstoday.com/articles/284974.php