Đau bụng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh chưa thể nói chuyện để thông báo cho chúng ta những vấn đề bé đang gặp phải, nhưng có một cách rất hiệu quả để bé phát đi tín hiệu “cầu cứu”, đó là… khóc toáng lên.

Đúng vậy, khi bé khóc có nghĩa là bé đang phải chịu đựng một sự khó chịu nào đó. Việc người lớn cần làm là quan sát những biểu hiện mà bé có, chẳng hạn như sốt, nôn mửa, tiêu chảy hay bất kỳ điều gì khác để có những can thiệp hợp lý và kịp thời. Trong số nguyên nhân gây khó chịu cho trẻ thì đau bụng là một trong những nhóm nguyên nhân phổ biến nhất. Trong bài viết dưới đây, Violetpham.vn điểm qua một số bệnh lý liên quan đến đau bụng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Khóc dạ đề

Đây là cách giải thích truyền thống đối với hiện tượng khóc đêm ở trẻ sơ sinh từ 1-4 tháng tuổi. Trẻ được coi là “bị” khóc dạ đề khi khóc hơn 3 tiếng 1 ngày (thường là vào buổi chiều muộn), 3 ngày 1 tuần và kéo dài ít nhất 3 tuần. Thường thì các bác sỹ sẽ thăm khám và loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác, nếu không có bệnh lý nào khác thì bé sẽ được chẩn đoán khóc dạ đề

Mặc dù các chuyên gia y tế khắp thế giới vẫn chưa giải thích được nguyên nhân của khóc dạ đề, nhưng nhiều người tin rằng hiện tượng này liên quan đến những cơn co thắt cơ trơn dạ dày ruột dẫn đến đau bụng. Bé thường cong người, co chân, nắm chặt tay và khóc liên tục không ngừng.

dau-bung-o-tre

Trẻ khóc dạ đề thường có những cơn khóc dai dẳng, vào buổi chiều muộn

Phải làm gì?: thật không may là không có cách nào điều trị chứng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các bác sỹ có thể gợi ý những biện pháp làm dịu sự đau đớn và làm giảm thời gian bé khóc, trong đó bổ sung men vi sinh là một biện pháp hữu hiệu. Có một tin tốt đó là đa số trường hợp khóc dạ đề thường cải thiện đáng kể sau 3-4 tháng, và dần biến mất khi trẻ được 5 tháng tuổi.

Táo bón

Là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, nhất là khi trẻ chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang ăn dặm. Nếu trẻ đi cầu ít hơn, hơn 3 ngày mới đi 1 lần, hoặc bộc lộ sự không thoải mái, cáu kỉnh,… thì rất có thể là bé đã bị táo. Nhất là khi ị bé phải rặn đỏ mặt hay phân khô và cứng thì có thể kết luận bé bị táo bón.

Phải làm gì?: nếu bé ăn thức ăn rắn hoặc bán rắn, hãy cho bé ăn loãng hơn. Các thực phẩm như bột ngũ cốc nguyên hạt, quả lê, mận và đậu nghiền nên được tăng lên trong khi những thực phẩm khác có xu hướng làm phân cứng hơn như chuối, táo và sốt táo, cà rốt, gạo trắng và bí ngô xanh nên được giảm xuống.

Bạn cũng có thể cung cấp thêm nước cho bé bằng cách cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn. Mát-xa bụng hay dùng động tác “đạp xe” có thể giúp kích thích nhu động ruột để chống lại táo bón.

tre-tao-bon

Táo bón khiến cơ hậu môn bị giãn, khiến trẻ đau đớn

Đầy hơi, trướng bụng

Thường xảy ra ở trẻ sơ sinh đã bắt đầu được tập ăn dặm, và lần đầu tiên được dùng nhiều loại thức ăn khác nhau. Các khí gây đầy bụng có thể là dấu hiệu của hệ vi sinh vật đường ruột chưa hoàn chỉnh.

Phải làm gì?: cách đơn giản nhất để giảm căng tức bụng cho bé là giúp bé ợ hơi trong dạ dày bằng cách cho bé ăn trong tư thế ngồi thẳng, hoặc vỗ nhẹ vào lưng, vuốt ngực sau khi bé ăn xong. Một số người cho bé dùng thuốc để cải thiện tình trạng đầy hơi, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo phương pháp này chỉ nên thực hiện khi các biện pháp vật lý không phát huy tác dụng.

tre-bi-day-bung

Nhiều biện pháp vật lý có thể hữu ích đối với hiện tượng đầy hơi

Trào ngược dạ dày – thực quản

Là một hiện tượng khá phổ biến, gặp ở 15% số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bé thường sẽ trớ một chút thức ăn khi ợ hơi, nhưng cũng có khi nôn toàn bộ thức ăn (sữa) ra ngoài. Nguyên nhân trào ngược có thể do bé ăn vượt ngưỡng, tư thế bú không đúng, bé vừa bú vừa bị phân tâm nên nuốt nhiều khí vào bụng, hoặc do cơ tâm vị (có tác dụng ngăn thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản) chưa phát triển hoàn thiện,… nhưng đôi khi đó là một biểu hiện bệnh lý.

Các acid trong dạ dày có thể làm tổn thương đường hô hấp, thức ăn trào lên mũi cũng có thể là ổ chứa khiến vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Phải làm gì?: hãy nói chuyện với bác sỹ về vấn đề này, vì nếu trường hợp gặp phải là bệnh lý thì cần được can thiệp y tế sớm. Thông thường, trào ngược sẽ được cải thiện khi áp dụng các biện pháp như chia nhỏ bữa ăn, thay đổi tư thế bú,…

tre-bi-non-tro

Trẻ bú quá no, khóc khi bú thường dễ bị nôn trớ

Cúm dạ dày

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nôn mửa hoặc tiêu chảy ở trẻ, trong đó cúm dạ dày là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau cảm lạnh. Các virus phân chia và phát triển trong dạ dày gây nên tình trạng viêm dạ dày cấp tính.

Phải làm gì?: việc trẻ bỏ bú, bú ít trong khi đó lại bị tiêu chảy hay nôn mửa có thể khiến bé bị mất nước nhanh chóng, có thể gây shock mất nước và điện giải nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách. Hãy tiếp tục cho bé bú mẹ, nếu có các dấu hiệu mất nước như hốc mắt trũng, hơi thở gấp, khóc không có nước mắt, 6 giờ liên tục không ướt tã (bé không tè),… thì cần đưa bé đi khám chuyên khoa nhi ngay lập tức.

Các nhiễm trùng khác

Không chỉ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mới gây đau bụng cho trẻ. Thực tế, khi trẻ bị các nhiễm khuẩn hô hấp thì các dịch nhầy mũi họng (chứa cả vi khuẩn) bị trẻ nuốt vào bụng (vì các bé chưa biết khạc nhổ), do đó có thể gây những kích thích cho đường tiêu hóa. Một số trẻ có phản ứng nôn, do đó tống hết chất nhầy ra khỏi dạ dày, và bé thấy khá hơn.

Những nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng do liên cầu, thậm chí những nhiễm trùng tai cũng đều có thể gây rối loạn ở đường tiêu hóa.

Phải làm gì?: nếu trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn thì kháng sinh là cần thiết. Trường hợp bé bị nhiễm khuẩn nặng, hoặc các nhiễm khuẩn tái đi tái lại nhiều lần, các bác sỹ có thể chỉ định lấy bệnh phẩm và làm kháng sinh đồ.

Dị ứng thức ăn hoặc sữa

Dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng. Có trường hợp dị ứng gây phát ban, tăng tiết nước mũi, khò khè hoặc thậm chí khó thở. Các Protein trong thức ăn thường không gây dị ứng vì chúng được hệ miễn dịch nhận diện là không gây hại cho cơ thể. Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch nhận định nhầm một kháng nguyên nào đó (như Protein trong trứng hay sữa) là nguy hiểm và huy động các tế bào miễn dịch cố gắng loại trừ các tác nhân này.

Trẻ bị dị ứng sữa bò có thể bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, phân lẫn máu, nổi mề đay hay đau bụng dữ dội sau khi ăn sữa bò và các sản phẩm từ sữa bao gồm phô-mai, sữa chua. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chỉ nên cung cấp sữa bò cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

tre-bi-di-ung

Biểu hiện thường thấy của dị ứng là các phát ban đỏ và ngứa

Phải làm gì?: hãy nói chuyện với bác sỹ nếu nghi ngờ dị ứng thức ăn. Đôi khi dị ứng có thể gây sốc phản vệ, điều này hiếm khi xảy ra nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của bé, vì vậy các mẹ bỉm sữa cần hết sức cẩn thận.

Hầu như không tồn tại khả năng bé dị ứng sữa mẹ, vì vậy cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu, sau đó tuân thủ nguyên tắc từ ít đến nhiều khi giới thiệu sữa bột hoặc đồ ăn dặm cho bé để hạn chế tối đa khả năng dị ứng thực phẩm cho bé.

Bất dung nạp Lactose tạm thời

Xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ (hoặc hoàn toàn không có) man Lactase để tiêu hóa đường Lactose trong sữa bò và các sản phẩm sữa khác. Mặc dù khá hiếm gặp ở trẻ sơ sinh (thường gặp hơn ở trẻ 3-5 tuổi) nhưng bất dung nạp Lactose có thể xảy ra sau khi bé bị một bệnh đường tiêu hóa nào khác, ví dụ cúm dạ dày khiến niêm mạc ruột bị tổn thương, dẫn đến tạm thời mất khả năng tiêu hóa Lactose.

Phải làm gì?: ngừng cho bé tiêu thụ sữa bò và các sản phẩm từ sữa khác cho đến khi bé hồi phục hoàn toàn. Khi dùng sữa trở lại, hãy bắt đầu với những lượng thật nhỏ, quan sát sự dung nạp của trẻ sau đó mới tăng dần lên.

bat-dung-nap-lactose

Trẻ không dung nạp được Lactose thì phải tạm biệt các sản phẩm từ sữa

Say tàu xe

Là một hiện tượng phổ biến, có thể khiến trẻ nôn ói dữ dội. Nguyên nhân dẫn đến say xe là do cơ quan nhận cảm về chuyển động của cơ thể như tai trong, mắt bị rối loạn khi di chuyển, dẫn đến kích thích cơ trơn dạ dày ruột và gây nôn.

Phải làm gì?: trước hết, cần tránh dùng các thuốc chống say tàu xe hay chống nôn ói cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Hạn chế di chuyển đường dài, hoặc cố gắng giúp bé ngủ ngon trên chuyến xe có thể hỗ trợ làm giảm hiện tượng say tàu xe.

Tắc ruột

Nếu bé đang hoàn toàn khỏe mạnh sau đó đột nhiên co chân và khóc dữ dội, thì bé có thể đang bị tắc nghẽn đường ruột do cơ tâm vị co thắt hay bị lồng ruột, gây đau đớn và khiến trẻ khóc. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nôn mửa càng ngày càng tăng về cường độ và tần suất.

Phải làm gì?: trường hợp này điều duy nhất bạn có thể làm là đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất, vì bé cần đến can thiệp ngoại khoa.

Các chất độc

Có vô số mối nguy hiểm từ các chất hóa học xung quanh chúng ta. Trẻ có thể nuốt phải thuốc của người lớn, kem đánh răng, son môi, hoặc nếu mẹ bất cẩn trẻ có thể ăn phải nước rửa chén, các hạt chống ẩm, đất, sơn móng tay,… do các bé thường có thói quen khám phá sự vật bằng… miệng. Nôn mửa là những phản ứng đầu tiên xảy ra vì cơ thể sẽ tích cực kích thích cơ trơn dạ dày ruột co thắt để tống dị vật hay chất độc ra ngoài.

 Phải làm gì?: nếu nghi ngờ bé bị ngộ độc, hãy thực hiện những biện pháp sơ cứu đồng thời với liên hệ ngay với trung tâm y tế gần nhất.

Tham khảo tại: https://www.babycenter.com/0_stomach-ache-in-babies_11529.bc

 

comments