Khi thời tiết chuyển mùa, bạn bị hắt hơi và bắt đầu chảy nước mũi. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và cần đi khám bác sỹ và được kê thuốc kháng sinh, thậm chí một số người dùng những liều kháng sinh mà năm trước họ đã dùng và còn thừa lại.
Bạn không hề đơn độc, vì thực tế nhiều người cũng lạm dụng kháng sinh giống như bạn vậy.
Tại Mỹ, theo một báo cáo năm 2014 được công bố trên Tạp chí BMC Medicine, việc sử dụng thuốc kháng sinh đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2010, nghĩa là sau 10 năm. Báo cáo còn nhấn mạnh rằng gần 50% thuốc kháng sinh được kê toa để dùng tại nhà là không cần thiết. Kháng sinh thậm chí được chỉ định cho những trường hợp không liên quan đến nhiễm khuẩn, ví như cảm lạnh thông thường và cúm, là những bệnh gây ra bởi virus.
Kháng sinh không có hiệu quả khi bệnh căn là virus
Không những thế, nhiều thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, nhất là thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, gia cầm, thậm chí là tôm, cá hiện nay cũng có khả năng chứa dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép do người nuôi trồng sử dụng những loại thuốc này trong chăn nuôi. Bài viết này cho thấy kháng sinh phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột như thế nào, và ảnh hưởng của nó ra sao đến sức khỏe tiêu hóa nói riêng, và sức khỏe toàn diện nói chung của con người.
Hệ sinh thái đường ruột
Ống tiêu hóa của con người là mái nhà chung cho hơn 100 ngàn tỷ vi sinh vật, thuộc khoảng 500-1000 loài khác nhau, trong đó có khoảng hơn 400 loài vi khuẩn, còn lại là các loại vi nấm, virus, và vi sinh vật đơn bào.
Những vi sinh vật này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tiêu hóa, miễn dịch, chuyển hóa và cả sức khỏe tinh thần của chúng ta. 68-80% hệ miễn dịch của con người nằm ở ruột và 90% chất dẫn truyền thần kinh của cơ thể – những chất hóa học giúp điều hòa tâm trạng và cảm xúc – được tạo ra tại ruột. Do đó, duy trì sự cân bằng vi sinh vật đường ruột của chúng ta là việc làm hết sức quan trọng, có liên quan đến sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.
Đường ruột của chúng ta là một hệ sinh thái phức tạp
Kháng sinh tác động lên hệ vi sinh vật đường ruột như thế nào?
Các thuốc kháng sinh hoạt động bằng cách ngăn chặn các quá trình sinh lý, sinh hóa quan trọng của vi khuẩn, khiến chúng không thể nhân lên được, hoặc hoàn toàn bị tiêu diệt. Thật không may là phần lớn kháng sinh không thể phân biệt được giữa vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Thay vào đó, mỗi liều kháng sinh được ví như một cơn sóng thần, cuốn trôi và tiêu diệt tất cả mọi thứ trên con đường của chúng.
Mất cân bằng vi sinh vật đường ruột là thuật ngữ dùng để miêu tả tình trạng suy giảm về số lượng cũng như chất lượng một hoặc một vài loài vi khuẩn nào đó trong hệ sinh thái ruột. Khi số lượng vi khuẩn có lợi giảm xuống, bạn dễ gặp phải những vấn đề tiêu hóa do các vi sinh vật “xấu” như nấm men, mà Candida albicans là một ví dụ, phát triển quá mức. Đặc biệt là trong trường hợp chúng gặp được nguồn thức ăn ưa thích đó là đường. Khi nấm Candida phát triển mạnh, chúng sẽ làm tổn thương lớp lót thành trong của đường ruột, dẫn đến hội chứng rò rỉ ruột.
Loạn khuẩn: trạng thái mất cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột
Rò rỉ ruột và các bệnh tự miễn
Theo khía cạnh kỹ thuật, mọi thứ nằm trong ruột của chúng ta vẫn được coi là nằm ngoài cơ thể. Đường ruột khỏe mạnh giữ cho độc tố (bao gồm cả các chất thải hay thức ăn chưa tiêu hóa hết) không đi vào máu mà chỉ hấp thu các chất dinh dưỡng. Thế nhưng đường ruột “rò rỉ” thì cho phép vi khuẩn, độc tố, các sản phẩm thức ăn chưa tiêu hóa hết,… đi qua.
Khi các chất lạ xâm nhập vào máu, hệ miễn dịch sẽ sinh ra phản ứng và bắt đầu tấn công. Theo thời gian, điều này có thể khiến hệ miễn dịch, gan và hệ bạch huyết trở nên quá tải và có thể gây các bệnh tự miễn.
Rò rỉ ruột khiến các chất độc ngấm vào máu gây các bệnh mạn tính
Làm thế nào để bảo vệ đường ruột khi bắt buộc phải dùng kháng sinh?
Trường hợp bệnh lý được xác định là do nhiễm khuẩn thì kháng sinh là cần thiết. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể áp dụng một số biện pháp để làm giảm thiểu tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của các loại kháng sinh, bao gồm:
- Hãy dùng Probiotics:
Probiotics là những vi khuẩn có lợi, đa phần có mặt một cách tự nhiên trong đường tiêu hóa của con người. Việc bổ sung lợi khuẩn giúp lấy lại sự cân bằng đã mất do tác dụng của kháng sinh. Lợi khuẩn được bổ sung còn cần có khả năng bám dính và phát triển tốt trong môi trường đường ruột, như vậy tác dụng của chúng mới phát huy lâu dài.
Nhiều người cho rằng trong khi đang dùng kháng sinh thì không nên dùng Probiotics vì các kháng sinh sẽ tiêu diệt chúng. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung Probiotics ngay trong liệu trình kháng sinh vẫn có tác dụng, và tốt nhất chúng ta hãy dùng kháng sinh cách thời điểm dùng Probiotics ít nhất 2h.
Bổ sung Probiotics là cách hỗ trợ tốt nhất cho đường ruột của bạn
- Bổ sung Collagen:
Niêm mạc ruột có hàng tỷ tỷ các lông nhỏ, giúp cơ thể hấp thu được dinh dưỡng từ thực phẩm. Thành phần chính cấu tạo nên những lông ruột này là Collagen, do đó việc bổ sung Collagen có hiệu quả hạn chế hiện tượng rò rỉ ruột.
Cải thiện đường ruột sau khi dùng kháng sinh
Phương pháp “4R” được cho là có hiệu quả nhất định giúp ổn định lại hệ vi sinh vật đường ruột do đó làm giảm tác hại mà kháng sinh gây ra:
- Loại bỏ nấm men:
Chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất bột (Carbohydrate) và rượu là những điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vì vậy hạn chế những loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn là việc đầu tiên cần phải làm.
- Khôi phục những thứ có lợi:
Các enzyme tiêu hóa là thành phần thiết yếu cho sự tiêu hóa thức ăn. Số lượng và chất lượng của chúng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp do kháng sinh, vì thế một số enzyme cần được bổ sung giúp giảm bớt áp lực cho các cơ quan tiêu hóa, nhất là tuyến tụy ngoại tiết và dạ dày.
- “Cấy” lợi khuẩn:
Các sản phẩm bổ sung Probiotics với nhiều chủng được khuyến khích sử dụng vì chúng có khả năng khôi phục lại sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột. Nếu không có điều kiện bổ sung lợi khuẩn bằng các sản phẩm bổ sung thì thực phẩm cũng là một lựa chọn. Các món dưa muối, kimchi, dưa cải bắp, cơm mẻ, giấm táo, bỗng rượu,… đều là những thực phẩm ít nhiều chứa vi khuẩn có lợi.
Prebiotics là một nhóm các chất xơ hòa tan làm thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột. Chúng ta có thể bổ sung các chất này bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi hoặc bằng các sản phẩm bổ sung.
- Phục hồi lớp lót nền trong của ruột:
Các acid amin như Glutamine, Proline và Glycine, dịch chiết cam thảo, Gelatin thô, Collagen,… là những thứ có lợi cho đường ruột bởi chúng giúp phục hồi và tái tạo niêm mạc ruột. Nước hầm xương, canh gà,… là những nguồn thực phẩm giàu acid amin dễ hấp thu.
Tham khảo tại: https://www.amymyersmd.com/2017/11/antibiotics-wreak-havoc-gut/