Những điều nên và không nên khi trẻ mắc tay chân miệng

Tay chân miệng là một trong những bệnh phổ biến nhất khi thời tiết giao mùa. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus gây bệnh tay chân miệng, nhưng thật may là hầu hết ca mắc tay chân miệng là lành tính và có thể điều trị tại nhà. Trong bài viết này, Violetpham.vn tập trung vào vài điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ, những thông tin liên quan sẽ được trình bày ở các bài viết khác.

benh-tay-chan-mieng-2

Thời điểm giao mùa thu-đông (tháng 10-12) là mùa dịch tay chân miệng bùng phát

Những việc NÊN làm khi trẻ bị tay chân miệng:

  • Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ.

Phòng ngủ nên được sắp xếp yên tĩnh, thoáng mát và nên tắt các thiết bị điện như điện thoại, modem wifi, tivi vì các loại sóng điện từ, sóng wifi có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

  • Bổ sung nhiều nước, nhất là khi bị tiêu chảy hoặc nôn trớ. Ưu tiên sử dụng dung dịch Oresol để bù nước. Với trẻ còn bú mẹ, bù nước bằng sữa mẹ là tối ưu nhất.

Có thể dùng nước ép hoa quả như nước ép dưa hấu, nước ép ổi, lê, táo, nho hay các loại nước ép rau củ như nước bí ngô, nước ép cà rốt,… hoặc trà xanh và nước dừa, vừa bù nước vừa giúp tăng cường các loại Vitamin và khoáng chất, hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ, giúp đẩy nhanh quá trình trục xuất virus ra khỏi cơ thể.

Các loại nước uống nên được làm mát bằng cách cho vào tủ lạnh vài phút trước khi sử dụng, giúp giảm đau và làm dịu cổ họng, vì đặc điểm của tay chân miệng là có những nốt phát ban và loét bên trong họng, lưỡi, nướu hoặc niêm mạc miệng khiến trẻ đau và khó nuốt.

oresol

Oresol được ưu tiên sử dụng khi cần bổ sung nước và điện giải

  • Ưu tiên dùng các loại thực phẩm mềm, tốt nhất là dạng lỏng, loãng và nhạt như cháo hoặc súp loãng.
  • Sát trùng vết loét bằng dung dịch xanh Methylen.

Trường hợp trẻ khó chịu vì các nốt phát ban, có thể dùng các sản phẩm chăm sóc da như Gel lô hội, kem bôi Calamine giúp giảm ngứa và xoa dịu những kích ứng.

Gel lô hội được ưu tiên vì có tác dụng làm mát vừa giúp vết thương mau lành.

  • Nếu trẻ lớn thì có thể sát khuẩn miệng bằng cách cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý.
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ. Các dụng cụ tiếp xúc với trẻ như đồ chơi, bình sữa, khăn tắm, ga trải giường,… cũng cần được khử trùng.
  • Trẻ có thể bị tiêu chảy khi mắc tay chân miệng. Nhưng dù bé có bị tiêu chảy hay không thì việc xử lý chất thải của bé cũng vô cùng quan trọng vì bệnh chủ yếu lây truyền qua đường phân-miệng.

Tã lót hay chăn màn cần được khử trùng bằng dung dịch Cloramin B, hoặc đơn giản hơn là dùng nước sôi để “trần” qua.

Những điều nên TRÁNH khi chăm sóc trẻ mắc chân tay miệng:

  • Tránh cho trẻ hoạt động, vui chơi vì trẻ cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hơn nữa tay chân miệng là bệnh rất dễ lây, có thể lây sang trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, khăn lau,…
  • Khi bổ sung muối và nước bằng dung dịch Oresol cần được pha đúng tỷ lệ. Tuyệt đối tránh pha Oresol với bất cứ thứ gì khác như sữa, nước quả.

Sữa cũng không nên pha với nước ép hoa quả vì các acid hữu cơ trong nước quả có thể làm đông vón Protein trong sữa, gây khó hấp thu, hoặc làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.

benh-tay-chan-mieng-o-tre-em

Hãy cho trẻ nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc vì bệnh có thể lây cho người xung quanh

  • Tránh các loại nước ép quả có vị chua như cam, chanh, dứa hay sinh tố xoài. Mặc dù đây là những nguồn Vitamin C dồi dào nhưng vị chua của các acid hữu cơ trong các loại nước quả này có thể kích ứng các vết loét trong họng, miệng hoặc thậm chí làm vết loét lâu lành hơn.
  • Tương tự, tránh các loại thức ăn có vị mặn, khô và cứng như các loại snack, bibim,… vì chúng có thể gây kích ứng vết loét.
  • Tránh bao bọc trẻ… quá kỹ. Đương nhiên việc giữ trẻ ở nhà và trông nom cẩn thận là điều cần thiết.

Tuy nhiên nên cho trẻ mặc đồ rộng và thoáng mát, tránh tiết mồ hôi ảnh hưởng đến các vết loét trên da.

Nhiều người cho rằng không nên tắm cho trẻ khi mắc tay chân miệng, nhưng các chuyên gia có quan điểm ngược lại. Hãy vệ sinh cho trẻ một cách hết sức nhẹ nhàng, tắm hoặc lau người bằng nước ấm sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn.

Tham khảo tại: https://www.homeremedynation.com/home-remedies-hand-foot-mouth-disease/

 

Xem thêm: Trẻ bị ho và cảm lạnh: nên điều trị tại nhà hay dùng thuốc?

 

comments