Sốt ở trẻ sơ sinh là nhiệt độ trực tràng từ 100,4 độ F (38 độ C) trở lên
Một buổi sáng đẹp trời, nhưng trong lòng bạn lại lo lắng như lửa đốt vì bé nhà bạn tỉnh dậy với đôi má đỏ bừng và làn da nóng hầm hập. Bạn lấy nhiệt kế ra đó nhiệt độ trực tràng của bé, nhiệt kế chỉ 37,7 độ C (hay 99,9 độ F). Có cần phải gọi ngay cho bác sỹ hay không?
Câu trả lời là “không”. Về mặt kỹ thuật, nhiệt độ đo ở trực tràng là 37,7 độ C không được xem là sốt. Sốt ở trẻ sơ sinh là khi nhiệt độ trực tràng ở mức 100,4 độ F (38,0 độ C) trở lên.
Việc thân nhiệt của trẻ sơ sinh (kể cả của người lớn) có thể tăng nhẹ là hết sức bình thường, các vận động thể chất, việc tắm nước ấm,… đều có thể là nguyên nhân khiến thân nhiệt trẻ tăng lên. Ngay cả thời gian trong ngày cũng có tác động ít nhiều lên thân nhiệt của trẻ, nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ vào buổi chiều muộn và giảm chút xíu vào sáng sớm. Vì vậy, chỉ khi nào đo thân nhiệt tại trực tràng cho kết quả 38 độ C hoặc hơn thì mới xác định là trẻ đang bị sốt.
Sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh ở trẻ em
Lưu ý: đôi khi người ta nhầm lẫn sốc nhiệt và sốt, vì chúng có những triệu chứng khá tương đồng. Sốc nhiệt là tình trạng cơ thể không điều chỉnh được thân nhiệt để làm mát khi môi trường bên ngoài quá nóng. Trẻ được ủ quá kỹ bằng nhiều lớp quần áo cũng có thể bị sốc nhiệt. Điều cần làm khi trẻ bị sốc nhiệt là đưa bé đến nơi râm mát, cởi bớt áo để thân nhiệt trẻ hạ từ từ, tránh làm lạnh nhanh, có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Nhiệt độ đo tại trực tràng luôn là chính xác nhất
Có thể việc đo thân nhiệt bằng nhiệt kế trực tràng hơi phức tạp và mất thời gian, nhưng đây là cách tốt nhất để nắm được thân nhiệt chính xác, nhất là đối với trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Nhiệt kế thủy ngân không được khuyến khích do tính nguy hiểm của thủy ngân nếu nhiệt kế bị nứt vỡ.
Nhiều chuyên gia y tế khẳng định: chỉ có nhiệt kế trực tràng mới phản ánh nhiệt độ cơ thể một cách trung thực, các chỉ số khác bao gồm thân nhiệt ở trán, nách và tai đều có sai số. Mặc dù những sai số đó không lớn nhưng không có nghĩa là nó nên bị bỏ qua, vì việc xác định trẻ có sốt không quyết định việc chúng ta có đưa trẻ đi bệnh viện hay không. Điều đó còn khiến mọi chuyện phức tạp hơn, hơn nữa việc trẻ đi khám ở bệnh viện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì môi trường bệnh viện là nơi có nhiều mầm bệnh.
Nhiệt độ ở trực tràng phản ánh chính xác nhất thân nhiệt của trẻ
Sốt do virus hay do vi khuẩn?
Sự khác biệt này là vô cùng quan trọng.
Virus gây sốt do chúng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động chống lại chúng, cho dù cơ thể nhiễm virus ở đường hô hấp, đường tiêu hóa hay các bệnh cúm thông thường thì vẫn đều có thể gây sốt. Sốt virus có xu hướng giảm dần trong vòng 3 ngày, và thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus.
Các viêm nhiễm do vi khuẩn, bao gồm nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn tiêu hóa, hô hấp hay tiết niệu thì đều cần đến kháng sinh. Nếu không được dùng kháng sinh kịp thời, các trường hợp nhiễm khuẩn khó có thể được điều trị thành công.
Hãy đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi và có thân nhiệt đo tại trực tràng từ 38 độ C trở lên
- Trẻ dưới 2 tuổi và cơn sốt kéo dài 24 giờ trở lên
- Bé 2 tuổi trở lên và sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Trẻ sốt 40 độ C bất kể tuổi nào
Sốt do vi khuẩn cần đến kháng sinh trong khi sốt do virus thì không
Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, sốt là trường hợp cần cấp cứu
Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ cơ thể đo tại trực tràng là 38 độ C trở lên cần nhận được chăm sóc y tế càng sớm các tốt. Chỉ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nếu được sự chỉ định của bác sỹ, vì hạ sốt có thể làm các triệu chứng của bệnh bị giấu đi, gây nhiễu cho chẩn đoán.
Có 2 lý do để coi việc trẻ sơ sinh bị sốt là một trường hợp khẩn cấp:
- Lớp bảo vệ hình thành bởi các tế bào giữa máu và hệ thần kinh trung ương ở trẻ nhỏ mỏng, do đó vi khuẩn dẽ dàng vượt qua hàng rào này và gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Trẻ nhỏ đôi khi không bộc lộ các triệu chứng điển hình để chúng ta có thể dễ dàng nhận diện và đánh giá tình trạng bệnh. Một bé bị nhiễm khuẩn rất nặng vẫn có thể không cho thấy nhiều triệu chứng, vì thế sự thăm khám chuyên khoa là cần thiết.
Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus, không cần lo lắng về nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên vấn đề là rất khó để xác nhận trẻ bị sốt là do vi khuẩn hay virus chỉ bằng thăm khám lâm sàng. Đó là lý do trẻ bị sốt cần được xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang hoặc xét nghiệm đờm, phân để xác định chính xác bệnh lý có phải do vi khuẩn hay không.
Những trường hợp nghi viêm màng não, một loại nhiễm khuẩn khá hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, bác sỹ có thể chỉ định chọc dò tủy sống, lấy dịch não tủy để xét nghiệm tìm vi khuẩn.
Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt cần được xem là một cấp cứu khẩn cấp
Điều trị triệu chứng, đừng quan tâm đến các con số
Nhiều phụ huynh tin rằng trẻ sốt càng cao nghĩa là bệnh càng nặng và trẻ càng ốm yếu, mệt mỏi, tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng đúng. Một bé sốt 39,5 độ C vẫn có thể thoải mái vui chơi, không khó chịu hay quấy khóc, trong khi một số bé khác chỉ cần sốt 38,5 độ C đã biểu hiện hết sức mệt mỏi, bỏ ăn hoặc bỏ bú.
Điều này đồng nghĩa với khẳng định: nếu trẻ không bị sốt ảnh hưởng thì không cần giảm sốt. Các chuyên gia y tế khẳng định: chúng ta nên “đối phó” với sự khó chịu của trẻ chứ không phải bản thân cơn sốt.
Luôn nhớ rằng, sốt thực sự giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng vì khi thân nhiệt tăng lên, các tế bào bạch cầu hoạt động mạnh mẽ hơn và chống lại vi khuẩn hiệu quả hơn. Chúng ta nên chú ý đến các triệu chứng và hành vi của trẻ để xác định mức độ nặng của bệnh, đồng thời dựa vào những dấu hiệu đó để đưa ra can thiệp phù hợp. Việc trẻ có mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú hay không quan trọng hơn là những con số biểu thị thân nhiệt của trẻ.
Sốt là một phản ứng lành mạnh
Có thể điều này trái với niềm tin phổ biến, nhưng sự thực là sốt không làm tổn thương não, và bản thân nó không gây hại gì cả.
Ngay cả những cơn sốt co giật ở trẻ do sự tăng nhiệt độ quá cao cũng hầu như vô hại. Các thuốc giảm sốt có thể làm hạ thân nhiệt nhưng chúng không giúp ngăn ngừa các cơn động kinh co giật, bởi nguyên nhân gây co giật ở trẻ là bản thân bệnh lý trẻ mắc chứ không phải sốt. Sốt chỉ là một triệu chứng chứ nó không phải một bệnh.
Tất cả các trường hợp sốt, do nhiễm khuẩn hay do tiêm vaccine, đều là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Cho nên bạn hãy yên tâm rằng hệ miễn dịch của trẻ đang làm đúng những gì mà nó phải làm.
Sốt thực chất là phản ứng tự vệ của cơ thể
Sử dụng thuốc một cách thận trọng
Các thuốc như Ibuprofen (dành cho trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi) hoặc Paracetamol (Acetaminophen) vừa có tác dụng hạ sốt vừa giúp giảm đau và làm giảm sự khó chịu. Tuy nhiên, các liệu pháp dùng thuốc không được khuyến khích, trước hết bạn hãy thử làm mát cơ thể bé bằng các biện pháp vật lý như cởi bớt áo, hoặc dùng nước ấm (khoảng 30-35 độ C) lau người cho bé, đặc biệt ở các vùng trán, nách, bẹn. Biện pháp này thường sẽ có hiệu quả tức thì.
Tiếp tục cho bé bú để cung cấp đủ nước là một ưu tiên.
Bật quạt không phải là cách hay nhưng bạn có thể chỉnh hướng gió để không thổi trực tiếp vào bé là được. Quạt sẽ giúp không khí được lưu thông.
Chỉ dùng thuốc hạ sốt nếu thực sự cần thiết. Hãy nhớ những cảnh báo an toàn dưới đây để áp dụng khi bé bị sốt:
- Nếu trẻ dưới 2 tuổi, hãy hỏi ý kiến bác sỹ về liều dùng phù hợp
- Nếu trẻ từ 3-6 tháng tuổi, bạn có thể cho bé dùng Paracetamol (nhưng tránh dùng Ibuprofen)
- Khi trẻ được 6 tháng tuổi, hầu hết đều có thể dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen
- Liều lượng được xác định theo cân nặng mà không phải theo tuổi.
- Tuyệt đối không dùng Aspirin để giảm sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì có thể gây hội chứng Reye, đặc biệt nguy hiểm và có thể gây tử vong.
- Nếu trẻ ngủ ngon lành thì đừng nên đánh thức trẻ dậy chỉ để dùng thuốc hạ sốt. Việc nghỉ ngơi giúp trẻ mau hồi phục hơn.
Tham khảo tại: https://www.babycenter.com/0_fever-in-babies-7-things-you-might-not-know_10373598.bc
Bài viết khác:
10 chất dinh dưỡng thức ăn từ động vật không thể cung cấp
Trẻ bị ho và cảm lạnh: nên điều trị tại nhà hay dùng thuốc?