Trầm cảm sau sinh (PPD – Postpartum Depression) là một rối loạn phức tạp liên quan đến những thay đổi về thể chất, tinh thần và thay đổi hành vi ở phụ nữ sau khi sinh con. Theo hướng dẫn chẩn đoán rối loạn tâm thần mà Violetpham.vn thu thập được, trầm cảm sau sinh xuất hiện trong vòng 04 tuần sau khi em bé ra đời, được chẩn đoán chủ yếu dựa vào thời gian khởi phát và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh
Những thay đổi hóa học trong cơ thể dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố được xem là có vai trò chủ đạo gây nên trầm cảm sau sinh.
Trong thời kỳ mang thai, các hormone nữ như Estrogen và Progesterone tăng gấp 10 lần bình thường. Sau đó, nồng độ các hormone này giảm mạnh đánh dấu sự ra đời của em bé. Chỉ sau 3 ngày, nồng độ hormone của người phụ nữ trở lại như trước, đó là một thay đổi rất đột ngột. Thêm vào đó, những thay đổi về mặt tâm lý, các mối quan hệ xã hội, nhu cầu được quan tâm tăng lên trong khi gia đình và người thân không đáp ứng đủ,… đều là những nhân tố góp phần quan trọng trong sự hình thành trầm cảm sau sinh.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi, các thay đổi hormone được xem là nguyên nhân chính gây trầm cảm sau sinh
Các triệu chứng
Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của trầm cảm sau sinh bao gồm mất ngủ, thay đổi khẩu vị, ăn không ngon miệng, cảm thấy mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục và thay đổi tâm trạng thường xuyên. Những biểu hiện này cũng xuất hiện ở những người hoàn toàn bình thường, tuy nhiên trầm cảm sau sinh thường đi kèm với việc mất niềm tin, tâm trạng chán nản, cảm giác thất bại hay thấy mình vô dụng, cảm xúc tuyệt vọng, thậm chí có suy nghĩ đến cái chết, hoặc tự làm mình tổn thương, hoặc tấn công và làm tổn thương người khác.
Các yếu tố nguy cơ gây ra trầm cảm sau sinh
Bao gồm:
- Tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai
- Tuổi người mẹ tại thời điểm mang thai – càng trẻ tuổi, nguy cơ càng cao
- Các mâu thuẫn trong thai kỳ
- Con nhỏ – càng có nhiều con nhỏ, càng dễ bị trầm cảm sau sinh
- Có tiền sử rối loạn kinh nguyệt
- Những người ít tiếp xúc với xã hội, bạn bè
- Người sống một mình
- Các xung đột hôn nhân.
Phụ nữ trẻ có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn
Trầm cảm sau sinh có phổ biến không?
Hầu hết các bà mẹ lần đầu có con đều có những trải nghiệm tương tự như trầm cảm sau sinh, vì cuộc vượt cạn không chỉ khiến họ đau đớn, mệt mỏi mà còn gần như lấy đi toàn bộ năng lượng của các bà mẹ trẻ. Có chăng là họ có được động viên và quan tâm đầy đủ để thoát khỏi tình trạng tồi tệ đó hay không mà thôi.
Cứ 10 phụ nữ thì có một người phát triển trầm cảm nặng và kéo dài. Và cứ khoảng 1000 bà mẹ sinh con thì có 1 người gặp phải tình trạng rối loạn tâm thần sau sinh. Đây là trường hợp hết sức nghiêm trọng.
Có bao nhiêu dạng trầm cảm sau sinh?
Câu trả lời là 3, bao gồm:
- Hội chứng “Baby Blues”: thực tế xảy ra ở hầu hết phụ nữ sinh con, được coi là bình thường. Trong đó, người phụ nữ sau sinh có sự thay đổi tâm trạng hết sức đột ngột, chẳng hạn như đang rất hạnh phúc đột nhiên cảm thấy rất buồn.
Họ có thể khóc mà không có lý do gì cụ thể, cảm thất mất kiên nhẫn, kích động, bồn chồn, lo lắng, cô đơn và buồn bã.
Hội chứng Baby Blues có thể chỉ kéo dài vài giờ đến 1-2 tuần sau khi sinh. Những bà mẹ này thường không cần đến can thiệp y tế hay liệu pháp trị liệu nào cả. Việc thường xuyên tham gia các hội nhóm dành cho phụ nữ, hoặc nói chuyện với các bà mẹ khác, hay nhận được sự quan tâm từ gia đình và người chồng sẽ giúp nhanh chóng xóa đi các triệu chứng kể trên.
Baby Blues có thể gặp ở cả nam giới
- Trầm cảm sau sinh (PPD): có thể xảy ra vài ngày hoặc nhiều tháng sau khi đẻ, bất kể là đẻ đứa đầu tiên hay những đứa con sau. Các cảm xúc tiêu cực cũng tương tự như hội chứng Baby Blues, tuy nhiên chúng ở mức độ nặng hơn.
Khi cảm xúc vượt ra khỏi tầm kiểm soát, họ cần được nhận sự chăm sóc y tế, cũng như sự động viên từ gia đình.
Các bác sỹ có những tiêu chí để đánh giá mức độ trầm cảm, và đưa ra liệu pháp thích hợp, đôi khi việc dùng thuốc là không thể tránh khỏi.
- Rối loạn tâm thần sau sinh: là một hội chứng tâm thần gây hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần của những bà mẹ trẻ, thường là những người lần đầu tiên có con nhỏ.
Diễn biến bệnh thường nhanh chóng, và xảy ra trong 3 tháng đầu sau khi sinh. Theo đó, các mẹ bỉm sữa bị rối loạn cảm xúc, có những ảo giác về âm thanh (nghe thấy những điều không tồn tại, giống như có người nói chuyện trong đầu), ảo tưởng (tin tưởng một cách mạnh mẽ vào những điều phi lý, không thực tế). Ảo giác thị giác (nhìn thấy những thứ mà người thường không thấy) ít gặp hơn.
Các triệu chứng khác bao gồm mất ngủ, dễ kích động hoặc giận dữ, bồn chồn, và có những cảm xúc và hành vi bất thường.
Phụ nữ bị rối loạn tâm thần sau sinh cần được điều trị ngay lập tức, và hầu như phải điều trị bằng thuốc. Đôi khi cần phải cách ly vì họ có xu hướng làm tổn thương bản thân hoặc người khác.
Làm thế nào để đối phó với trầm cảm sau sinh?
Dưới đây là một số biện pháp giúp các mẹ thích ứng và đối phó với việc có thêm một em bé trong nhà:
- Yêu cầu giúp đỡ – hãy cho người khác biết rằng bạn đang bất ổn và chỉ họ cách để họ có thể giúp bạn
- Hãy nhìn nhận thực tế và đừng đặt quá nhiều kỳ vọng cho bản thân và cho con cái
- Tập thể dục: là một biện pháp hữu hiệu, đôi khi chỉ là việc đứng dậy và đi bộ bên ngoài cũng giúp ích đáng kể
- Hãy nhắc nhở bản thân rằng những ngày tồi tệ sẽ qua và hạnh phúc sẽ đến
- Thực hiện một chế độ ăn lành mạnh: giàu Vitamin và chất xơ, tránh lạm dụng rượu hay Caffein
- Dành thời gian cho gia đình
- Đừng cô lập bản thân, hãy giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè
- Hạn chế người đến thăm ngay sau khi từ bệnh viện về nhà
- Hãy gọi video call với những người bạn muốn chia sẻ
- Ngủ hoặc nghỉ ngơi hoàn toàn khi em bé ngủ.
Một chế độ ăn khoa học là liều thuốc chống trầm cảm hiệu quả
Điều trị trầm cảm sau sinh
Tùy thuộc vào thể bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà trầm cảm sau sinh nhận được những liệu pháp khác nhau. Các lựa chọn dùng thuốc có thể bao gồm các thuốc chống lo âu, hoặc thuốc chống trầm cảm, các trị liệu tâm lý hoặc tham gia các nhóm tình nguyện hỗ trợ giáo dục tinh thần.
Trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh, vì đây là thể nặng, các loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần sẽ được chỉ định. Đôi khi việc nhập viện là cần thiết.
Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, không nên nghĩ rằng uống thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến con mà giảm liều hay từ bỏ hẳn việc dùng thuốc. Các bác sỹ sẽ xem xét sự cần thiết của chỉ định với các yếu tố nguy cơ cho bé để quyết định việc dùng thuốc. Nhiều phụ nữ vẫn cho con bú trong khi dùng thuốc, đương nhiên, họ vẫn nhận được sự chăm sóc và quan tâm đặc biệt.
Hãy dành thời gian bên gia đình, bạn bè nhé các mẹ bỉm sữa
Khi nào cần nhập viện để điều trị?
Việc không điều trị trầm cảm sau sinh có thể gây nguy hiểm cho các bà mẹ trẻ và con cái của họ. Các mẹ bỉm sữa nên tìm kiếm sự can thiệp y tế chuyên khoa nếu:
- Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần
- Tình trạng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống
- Cảm thấy mình không thể đối phó với bệnh
- Có ý nghĩ làm tổn thương con hoặc tổn thương bản thân
- Cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi hay có các cảm xúc tiêu cực khác hầu hết thời gian trong ngày.
Lời kết
Trầm cảm sau sinh đôi khi gây ra những hậu quả không thể cứu vãn, tuy nhiên việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, đúng cách hoàn toàn có thể giúp các mẹ bỉm sữa lấy lại cân bằng. Điều quan trọng là sự đồng cảm, yêu thương và quan tâm từ người chồng, người cha có đóng góp không nhỏ giúp các chị em vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tham khảo tại: https://www.webmd.com/depression/guide/postpartum-depression#1